Kubo and the Two Strings (2016) – Spoiler review – Part 1

The Ice Fields

Kubo and the Two Strings (2016) – 10/10 – REVIEW SPOILERS, đừng đọc tiếp nếu bạn chưa xem phim. Review dành riêng cho các bạn Việt Nam nên lần này gõ tiếng Việt.

Mình thuộc dạng người mà một khi đã thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nào đó, và mình có thể nhìn ra, cảm nhận được những giá trị, chủ đề ẩn đằng sau những điều nổi trên bề mặt thì mình sẽ cảm thấy cực kỳ sung sướng, kích động một cách khó có thể tưởng tượng nổi. Cứ tưởng tượng trong đầu mình thường xuyên có 1 thằng không ngừng gào thét ầm ỹ, điên cuồng mỗi khi tìm ra những điều mà bình thường không có nhiều người có thể nhìn thấy như mình. Kubo and the Two Strings chính là một bộ phim cho mình chính xác cái cảm xúc đó. Suốt chiều dài bộ phim, mình cảm thấy như không thể chớp mắt nổi, không dám dừng lại để thở vì sợ rằng sẽ bỏ lỡ mất một điều kỳ diệu nào đó trong phim. Suốt chiều dài bộ phim, trong từng khung hình, từng giây phút, mình đều cảm nhận được những điều không tưởng mà các họa sĩ của LAIKA đã dốc hết ruột gan, tâm trí vào để thực hiện. Suốt chiều dài bộ phim, mình đã khóc không ngừng nghỉ, không chỉ vì một câu chuyện quá truyền cảm, quá thấm thía và tinh tế trong từng nhịp điệu, từng lời thoại và phương pháp kể chuyện, mà vì mình có thể “nhìn” thấy bàn tay của tất cả những họa sĩ ở LAIKA đang nhích từng chút một những chi tiết từ nhỏ nhất, những chăm chút cho từng thiết kế chất liệu, thiết kế khung xương, ngay cả những người phải ngồi tính toán X-sheet animation cho các nhân vật trong phim trong suốt cả một thời gian dài để làm ra được một kiệt tác nghệ thuật không có giới hạn đến thế này. Suốt chiều dài bộ phim, trong tâm trí mình chỉ có duy nhất một suy nghĩ “đây chính là điều mà mình muốn làm, đây chính là ý nghĩa của cuộc đời mình, đây chính là điều mà mình có thể sống chết vì nó, chính là thứ khiến cho mình có thể trở nên điên cuồng và rồ dại”. Và mình cảm thấy tất cả những con người đã chung tay thực hiện bộ phim này chính là những người đã bằng chính bàn tay của họ, biến giấc mơ của mình thành hiện thực trên màn ảnh. Họ chính là những người mà mình tôn thờ nhất trên cuộc đời này. Hãy cứ thử nghĩ rằng Neyman trong Whiplash thay vì đánh trống, mà chọn làm phim hoạt hình, thì chắc hẳn bộ phim mà anh ta làm được sẽ chính là một bộ phim giống như Kubo. Câu hỏi đặt ra là “bạn đã thực sự phát điên vì điều mình đam mê hay chưa?” Và đó sẽ chính là câu hỏi bạn cần hỏi chính mình trong từng phút của cuộc đời nếu như bạn không muốn phí hoài nó vào những điều hời hợt, trống rỗng.

Kubo and the Two Strings trước hết, trước mọi thứ, là câu chuyện về sức mạnh của những “câu chuyện”. Cụ thể hơn, ở đây là những câu chuyện về những anh hùng, những chuyến phiêu lưu, và quan trọng nhất là câu chuyện về những điều trong sáng, những điều tốt đẹp, giống như gia đình vậy. Ở cuối phim, sức mạnh đã giúp cho Kubo đánh bại được kẻ xấu trong phim và cảm hóa được hắn trở thành người tốt, chính là sức mạnh của “ký ức” về những người mà mình yêu thương. Nhưng cá nhân mình cho rằng, ý nghĩa thực sự đằng sau thông điệp này nằm ngay trong câu chuyện của Kubo ở đầu phim: Một người kể chuyện. Một người kể chuyện không chỉ có được một trí tưởng tượng không giới hạn, đầy màu sắc với vô vàn những chuyến phiêu lưu đầy thăng trầm, đầy hỉ nộ ái ố, truyền cảm đến nao lòng, mà còn ở khả năng “kể” lại những câu chuyện đó với một tinh thần và cảm xúc có khả năng thần kỳ có thể cuốn người xem không thể rời mắt khỏi bất cứ tình huống nào, và không bao giờ thôi thèm muốn được theo dõi một kết cục thỏa mãn. Không phải bất cứ phép thuật màu nhiệm nào với những tờ giấy, không phải tài năng đánh đàn điêu luyện, cũng không phải lòng dũng cảm cuồn cuộn trong tim, mà chính là ở đây: Một khả năng kể chuyện không ai sánh bằng. Khi Moon King đã không còn ký ức gì về cuộc đời độc ác của mình trước đó, chính “câu chuyện” mà mỗi người dân trong làng góp lại đã chuyển hóa và giúp cứu rỗi một tâm hồn “mù lòa” của ông ta chứ không phải bất cứ thứ gì khác. “Ký ức” trong câu chuyện của Kubo thực ra không gì khác chính là những câu chuyện, và không phải bất cứ câu chuyện nào, mà phải là những câu chuyện mà những vị anh hùng đã phải vượt qua bao gian khổ để giành được vinh quang, vì đó mới là những câu chuyện có thông điệp tích cực, yêu thương, và truyền cảm được cho “khán giả” để họ có thể hướng tới những điều tốt đẹp, tinh khiết trong cuộc sống như tình yêu gia đình vậy.

Đó cũng chính là một thông điệp được truyền tải theo mình là cực kỳ cực kỳ tinh tế, cực kỳ thấm thía và đầy sự sáng tạo khi nó cũng chính là thông điệp của các họa sĩ hoạt hình dành cho khán giả, và cũng là một sự tôn vinh cho những người đã lựa chọn một con đường đầy sự vất vả như vậy. Một thông điệp nằm trong chính thông điệp của câu chuyện, dành cho cả nhân vật trong phim lẫn khán giả ngoài đời. Vì những “câu chuyện” của hoạt hình, của điện ảnh, của âm nhạc, của truyện tranh, của tiểu thuyết, không chỉ đơn giản là những phương tiện giải trí đơn thuần, mà nó có giá trị gần như vô giá, làm giàu thêm, đẹp hơn tâm hồn của tất cả mọi người. Đừng bao giờ cho rằng những câu chuyện viễn tưởng, phiêu lưu trong những thế giới đầy màu sắc với những sinh vật không thực và những cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu chỉ đơn giản là những thứ vô nghĩa chỉ có giá trị bề mặt. Điều này mình muốn dành riêng và hướng tới tất cả những “người lớn”, các bậc phụ huynh, các nhà giáo, thậm chí ngay cả các bạn mà chuyên môn và cuộc sống của bạn không liên quan tới các câu chuyện thế này. Rằng hãy cởi tấm lòng của mình ra, nhìn vượt qua lớp bề mặt hào nhoáng của những nhân vật hoạt hình, những nét vẽ của truyện tranh, hay cả những con tàu vũ trụ trong phim ảnh,… để thấy được những “câu chuyện” thực sự nằm lấp đằng sau, những giá trị có sức mạnh lay chuyển thế giới, lay chuyển con người, những giá trị ẩn dụ nằm ngay trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những điều có thể làm nên và xây dựng nhân cách cho con người. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, những thứ này nhân vật trong phim sẽ không bao giờ nói ra miệng thành lời, thành thoại theo kiểu giáo điều khô khan, dạy dỗ, thậm chí đôi khi chính người kể chuyện họ cũng không ý thức được rằng mình đang truyền tải tới khán giả một phần tâm hồn đơn sơ, giản dị, gần gũi, nhưng đẹp vô cùng của chính con người họ họ ẩn dấu đằng sau lớp áo kỳ ảo, màu nhiệm của siêu anh hùng, robot khổng lồ, hay phù thủy cưỡi chổi. Đây là những điều mà bạn chỉ có thể cảm nhận được bằng trí tưởng tượng, bằng một tâm hồn cởi mở, và một tình yêu không biên giới dành cho nghệ thuật đích thực.

Một “câu chuyện” khác ẩn giấu đằng sau cuộc phiêu lưu đầy tươi sáng và phép thuật của Kubo chính là câu chuyện về “gia đình”, hay cụ thể hơn, về giá trị thực sự của 2 chữ “gia đình” đối với cuộc đời và linh hồn của một con người. Ngay từ những giây phút đầu tiên, mình đã nhận ra Monkey và Beetle chính là bố và mẹ của Kubo, nhưng điều này không những không làm cho mình bớt thích đi với câu chuyện, mà còn khiến cho mình yêu thích đến điên cuồng hơn phương pháp kể chuyện đầy chất thơ, đầy cảm xúc và “cái đẹp” của LAIKA. Mình cho rằng đây cũng chính là một chi tiết lớn mang tính phục vụ đắc lực cho chính điều mà mình nói ở trên: Những điều trên bề mặt tưởng chừng như diệu kỳ và màu nhiệm, thật ra lại mang trong mình những điều gần gũi nhất, đơn sơ và thực tế nhất. Ở đây nhân vật Monkey và Beetle, cả 2 đều là những nhân vật có nguồn gốc “phép thuật”: Một thì là được mang lại cuộc sống bằng một phép màu, người kia thì lại bị nguyền rủa bởi kẻ xấu. Nhưng sâu bên trong, cả hai chính là bố và mẹ của Kubo, một cách chân thực nhất: Một ông bố giống như bao ông bố khác, luôn khuyến khích con mình xông pha vào thử thách, tạo điều kiện và ủng hộ con được khám phá chính bản thân mình ngay trong cuộc sống thật. Bố sẽ cho con được chơi dao sắc, dạy con bắn cung, cứu con khỏi hiểm nguy. Còn mẹ thì không ai khác chính là người lo lắng và bảo vệ cho con trong mọi tình huống. Mẹ cấm không cho con xông vào hiểm nguy mà không suy nghĩ kỹ, mẹ không cho con chơi dao sắc vì dễ đứt tay, mẹ dè chừng khi con làm quen với người lạ, và mẹ liều chính mạng sống của mình để bảo vệ con, giống như bất cứ một bà mẹ nào. Và đơn sơ nhất, chính là giây phút cả gia đình đoàn tụ, bố kiếm thức ăn, mẹ chế biến, cả nhà cùng ăn chung thật vui vẻ bên mâm cơm. Đây chính là giá trị thực sự của “gia đình” trong ánh mắt của trẻ con, chẳng có gì phức tạp đâu, đơn giản vậy thôi, nhẹ nhàng vậy thôi. Đó chính là “câu chuyện” về gia đình mà đã làm nên con người cho một đứa trẻ “đang lớn” như Kubo. Đối với những đứa trẻ ở lứa tuổi này, có lẽ không có thứ gì có giá trị hơn khi bố và mẹ cùng ở bên mình trong một gia đình hòa thuận, có thể đôi khi xung khắc về việc cho con cầm kiếm hay không, và sự tin tưởng lẫn nhau bị nghi ngờ, nhưng đến cuối ngày, bố vẫn là bố, rất yêu và tin tưởng dạy cho con bắn cung, còn mẹ dạy cho con biết buộc dây vào mũi tên để bắt được cá. Trong cuộc sống thật, bạn đã nghe và biết tận mắt bao nhiêu các “câu chuyện” khác của những gia đình đã từng không có kết cục tốt đẹp mà đứa trẻ là nạn nhân duy nhất phải chịu đựng và chịu những chấn thương không thể lành nổi trong tâm hồn bởi tất cả những điều đổ vỡ đó? Có bao nhiêu “câu chuyện” nơi bố mẹ từ chối ở bên con, kể chuyện cho con, khích lệ và ủng hộ con, để rồi dù bố mẹ ở bên, con vẫn lớn lên trong cô đơn và lạc lõng, mất phương hướng với chính cuộc đời mình?

Đó là về “câu chuyện”, còn về kỹ thuật làm phim cũng là những thứ có thể khiến cho Kubo and the Two Strings trở thành một kiệt tác của mọi thời đại, ngay cả khi so sánh với các bộ phim bom tấn người đóng. Tất cả những gì mà bạn có thể xem và nhìn thấy được qua các video clip hậu trường, qua artbook, vân vân… đều chỉ là 1/100 những gì mà các nhà làm phim ở LAIKA phải trải qua để mang đến cho chúng ta những thước phim stop motion không tưởng thế này. Mình biết điều này vì mình đã phải trải qua lớp stop motion cơ bản và phải tự tay thực hiện một bộ phim stop motion ngắn của bản thân mình từ năm học đầu tiên. Stop motion khác biệt với các kỹ thuật hoạt hình khác như vẽ tay hay CGI ở chỗ từ giây phút kịch bản được chắp bút cho tới khi họa sĩ hoạt họa bắt đầu đụng tay vào con búp bê trên trường quay thu nhỏ cho phim để tạo chuyển động cho phim là một quãng đường dài hơn rất rất rất nhiều so với tất cả các kỹ thuật khác của hoạt hình. Cụ thể như phim The Boxtrolls của chính LAIKA từ khi bắt đầu kịch bản cho tới khi họa sĩ hoạt họa bắt đầu thực hiện phim là quãng thời gian dài gần 9 năm, và quá trình thực hiện hoạt họa cho phim cũng như các khâu hậu kỳ chỉ mất khoảng 1 – 2 năm. Để nói ra đây cụ thể những công đoạn nào, công đoạn nào đi trước công đoạn hoạt họa thì có lẽ chả có đủ chỗ và thời gian để nói, nhưng mình có thể nói qua một chút. Do tính chất của stop motion, một khi họa sĩ đã bắt đầu thực hiện công đoạn hoạt hình thì sẽ không thể quay lại được, chỉ có tiến về phía trước từng frame một một cách thật cẩn thận, thật tỉ mỉ và chi tiết, và nếu có sai sót thì không có lựa chọn nào khác là quay lại làm lại từ đầu. Hẳn là bạn đã biết là họa sĩ hoạt họa của LAIKA, nhanh nhất thì một tuần họ chỉ có thể hoàn thiện khoảng 3 giây hoạt hình, lâu hơn thì một tuần được 1 giây là giỏi, tùy thuộc độ phức tạp của từng cảnh phim. Thế nên trước khi đi vào khâu hoạt họa này, họ sẽ phải có cả một bộ phim có độ dài cụ thể chi tiết tới từng frame hình được ghép lại từ những thứ được chuẩn bị từ trước cả một thời gian dài như storyboard, concept art, color keys,… vân vân, nhưng quan trọng nhất là một thứ gọi là X-sheet – một bảng tính toán về tốc độ chuyển động có độ chi tiết vô cùng khủng khiếp tới từng frame, bao gồm cả chú thích chi tiết cho từng vật thể cho dù là nhỏ nhất trong cảnh phim như sợi cỏ, sợi tóc, sợi lông chuyển động ra sao. Ngay cả chuyển động của máy quay, của hệ thống ánh sáng trong cảnh phim, chỗ nào có sử dụng phông xanh và CGi, chỗ nào không,… cũng đều phải được nghiên cứu và tính toán cực kỳ kỹ lưỡng và lâu dài và chắc chắn 100% hoàn hảo trước khi đưa tới cho họa sĩ hoạt họa. Những tính toán này phải chi tiết tới từng frame, và để có được sự chính xác, cách duy nhất là họ sẽ phải làm những đoạn animation test – thử nghiệm trước bằng kỹ thuật 2D truyền thống hoặc 3D để đạo diễn duyệt chuẩn về tính toán thời gian chuyển động, về diễn xuất của nhân vật, về bố cục cảnh phim, ánh sáng, vân vân… Và những đoạn animation thí nghiệm như thế này có thể kéo dài hàng năm trời với nhiều phiên bản khác nhau trước khi được duyệt để đưa vào cảnh phim hoàn thiện. Và có lẽ mình cũng không phải nói nhiều về vấn đề thiết kế chất liệu sao cho mô phỏng được những thứ khó diễn đạt trong stop motion như nước, vải, lông thú, vân vân, những thứ mà trong khi thực hiện sẽ rất khó nằm im để họa sĩ có thể điều khiển được chuyển động một cách chuẩn xác nhất, rồi những vấn đề như thiết kế khung xương, hệ thống máy móc cho những bối cảnh phức tạp, hệ thống trường quanh thu nhỏ được dựng sao cho không chỉ hợp lý cho từng cảnh phim mà còn phải tiện lợi cho họa sĩ hoạt họa có thể di chuyển trong khi làm việc, tránh trường hợp gây đổ vỡ, hỏng hóc, và phải làm lại từ đầu. Cứ tưởng tượng đã chụp được khoảng 3000 khung hình để rồi làm hỏng ở khung 3001 và phải quay lại từ khung số 1 để làm lại bạn sẽ cảm thấy thế nào.

Tuy nhiên, đây không phải điều khiến cho LAIKA vượt trội hơn tất cả các studio hoạt hình khác, hay cụ thể hơn là các studio stop motion khác. Điều khiến cho họ mặc dù là studio mới có tuổi thọ khoảng 11 năm nhưng nay đã đứng ngang, thậm chí vượt hơn cả người khổng lồ Disney nằm ở một phương pháp tư duy và làm việc thế này: “Mình đã bao giờ làm cái này chưa nhỉ? Liệu mình có làm được không nhỉ? Để thử làm trong phim tiếp theo xem!” Và họ làm luôn. Mỗi bộ phim họ thực hiện, họ sẽ liên tục đưa vào những thứ mà ở phim trước đó họ chưa bao giờ làm, chưa làm được, và họ tìm mọi cách để có thể thực hiện bằng được, và thực hiện với một tiêu chuẩn không tưởng. Trong Kubo, điều không tưởng họ đã thực hiện được lần này là bộ xương khổng lồ của thế lực bóng tối, những con mắt dưới đáy đại dương bảo vệ bộ giáp, hình dạng quái vật của Moon King, hiệu ứng sóng biển và mặt nước, và cuối cùng là bộ lông của Monkey.

Mình sẽ bắt đầu bằng bộ lông của Monkey trước vì đây là một trong số những “vấn đề” nổi cộm nhất trong kỹ thuật stop motion từ trước tới nay khi thể hiện các nhân vật động vật có lông. Ví dụ như một phim gần đây là Fantastic Mr. Fox của đạo diễn Wes Anderson có dàn nhân vật chủ yếu là động vật có lông, và họ cũng đã gặp phải vấn đề này: Vì chất liệu lông không thể giữ nguyên hiện trạng qua từng frame do có sự tác động của bàn tay họa sĩ lên nó, nên trong cảnh phim hoàn thiện, bộ lông luôn sẽ có cảm giác như chúng đang bay liên tục trong gió mà không theo bất cứ một chuyển động cụ thể nào, hoàn toàn chỉ là một “vấn đề” chưa giải quyết được. Đây cũng là vấn đề trong các bộ phim từ thời kỳ đầu của kỹ thuật stop motion như King Kong (1933) hay Mighty Joe Young (1949). Cũng đã từng có nhiều giải pháp được đặt ra như sử dụng lông giả có độ đàn hồi cao, nhưng chưa bao giờ vấn đề này được giải quyết thực sự triệt để. Monkey trong Kubo, hay rộng hơn là bộ tóc của Sisters và Mother trong phim đều có được sự chuyển động mang “ý đồ” do được cách điệu và giản lược tới một mức độ tinh tế, và được sử dụng một chất liệu có khả năng giữ nguyên hiện trạng qua từng frame hình. Monkey tất nhiên đạt được hiệu quả này một cách hoàn hảo nhất: Thay vì sử dụng “lông” thú thật hay các chất liệu tương tự, lông của Monkey đã được giản lược thành rất nhiều các “nhóm” lông được thiết kế từ các chất liệu đủ cứng để họa sĩ hoạt họa có thể kiểm soát được và điều chỉnh chúng theo đúng ý đồ và các nguyên tắc vật lý. Mình tin là không có nhiều người nhận ra được sự thành công này của LAIKA khi tìm ra giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này.

Về hiệu ứng nước, các bạn đã xem video behind the scene của phim sẽ biết là LAIKA sử dụng CGI để thực hiện các cảnh có nhiều sóng biển như cảnh mở màn trong phim hay các cảnh du ngoạn trên thuyền ở giữa phim. Tuy nhiên, CGI ở LAIKA khác với CGI của Disney hay Pixar ở chỗ họ không viết nên các đoạn script vật lý tự động thiết kế chuyển động của nước hay những thứ tương tự hoàn toàn trên máy tính, mà họ dựng các đạo cụ cụ thể cho từng hiệu ứng chuyển động khác nhau của mặt nước và sóng biển và quay phim lại, ghi lại bằng quét laser, và đưa các thông số này vào máy tính để ứng dụng CGI vào và tạo ra hình ảnh hoàn thiện cuối cùng cho phim. Điều này cũng tương tự như các phim trước của LAIKA khi họ thực hiện các hiệu ứng khác như lửa và ánh sáng đều xuất phát từ các thông số và cảnh quay bằng đạo cụ thực tế. Ví dụ như lửa trong Boxtrolls là từ sự kết hợp giữa các miếng kính có độ méo bề mặt chuyển động đan xen với thiết kế ánh sáng chiếu từ phía sau. Trong khi đó, bộ xương bóng tối, các con mắt dưới đáy biển, và hình dạng quái vật của Moon King thì là một tiến bộ vượt trội không tưởng của nhóm kỹ thuật ở LAIKA. Khi mình nói “kỹ thuật” ở đây ý mình muốn nói đến các kỹ sư cơ khí và máy tính đã “phát minh” (theo nghĩa đen) các hệ thống máy móc cũng như các bộ khung xương cho tất cả các nhân vật để các họa sĩ hoạt họa có thể có được sự kiểm soát tối đa nhất có thể khi làm phim. Điều này nghe thì có vẻ lạ, nhưng lại là chuyện “đương nhiên” trong bất cứ studio stop motion nào trên thế giới, đó là mỗi bộ phim, mỗi nhân vật khác nhau đều phải được thiết kế các bộ khung xương hoàn toàn khác nhau với khoảng độ chuyển động hoàn toàn khác nhau để phục vụ cho những phân cảnh diễn xuất rất khác nhau. Chưa kể mỗi nhân vật lại còn phải có rất nhiều phiên bản khác nhau với khung xương được thiết kế hoàn toàn khác, đôi khi còn là với kích thước khác nhau. Điều này đòi hỏi các kỹ sư của LAIKA không chỉ là những người có chuyên môn về vật lý kỹ thuật cực kỳ tuyệt vời, mà còn phải có khả năng tưởng tượng cực kỳ phong phú và đa dạng thì mới có thể thực hiện được. Chính nhờ tài năng của những con người này mà LAIKA đã dựng được nhân vật stop motion lớn nhất trong lịch sử điện ảnh – Bộ xương bóng tối bảo vệ thanh kiếm thần – và thực hiện được hoạt họa cho nó một cách cực kỳ hoàn hảo trong Kubo. Trong khi đó, các con mắt dưới đáy đại dương lại khiến họ phải tìm ra một hệ thống điều khiển sử dụng bóng tròn để giúp cho họa sĩ có thể điều khiển được các mí mắt cũng như độ sáng của con mắt.

Bài học rút ra của câu chuyện này không gì khác chính là việc không ngừng vượt qua giới hạn của chính bản thân trong từng tác phẩm, qua từng ngày, từng giờ, tìm mọi cách sáng tạo nhất để có thể làm được những điều mà mình chưa bao giờ làm được trước kia. Đây cũng chính là phương châm cá nhân của chính mình vẫn đã, đang, và luôn không ngừng áp dụng trong công việc, đặc biệt là trong khi thực hiện chính bộ phim hoạt hình RESCUE mà mình đang thực hiện. Never stop pushing the envelope.

Một lần nữa mình muốn nhắc lại về Whiplash. Nếu bạn muốn biết thế nào là “đam mê”, “đam mê thực sự”, không phải thứ “đam mê” hời hợt, bâng quơ, đầu lưỡi mà trên mạng người ta cứ 2 giây là lại phun ra một lần như 1 thứ giẻ rách, thì hãy xem Whiplash. Còn nếu bạn muốn biết cái sự điên cuồng, rồ dại, cái sự mê sảng đến mất trí của cái “đam mê” thực sự ấy có thể tạo ra được những điều gì, thì hãy xem Kubo and the Two Strings. Vì đây là một bộ phim được thực hiện không bằng bất cứ thứ gì khác ngoài tình yêu điên dại và ngạt thở đối với nghệ thuật, không phải tiền, vì các họa sĩ của LAIKA có mức lương thuộc hàng thấp nhất Hollywood hiện nay, và lợi nhuận của các bộ phim do hãng này thực hiện cũng chỉ ngang ngửa 1/100, 1/1000 so với những studio khác như Disney, Dream Works, BlueSky, Illumination với những bộ phim kém cỏi hơn hẳn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s