
(Bài viết mang tính lan man chia sẻ là chính chứ ko có ý gì tập trung cho lắm, với cả viết từ trước khi tốt nghiệp, giờ quên hết ý rồi nên dừng đại ở 1 chỗ rất dở hơi, mong mọi người thông cảm :)) )
–
Từ khi sang Mỹ đến giờ mình thật ra không gặp quá nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng ở đây. Từ ngôn ngữ, văn hóa, cách hành xử,… tất cả đều đến với mình hết sức tự nhiên và nhẹ nhàng, cứ như những điều này vốn đã có sẵn trong con người mình. Thật ra mình cũng may mắn vì có ông nội dạy cho tiếng Anh từ khi còn bé tiếng Việt còn chưa sõi, xem truyền hình và đọc sách tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 cho tới tận khi lớn, nên ngôn ngữ không phải là rào cản gì với mình. Về văn hóa thì mình như cá trả về biển, đam mê văn hóa phương Tây từ bé, đặc biệt là hoạt hình, truyện tranh, âm nhạc,… không có gì khó khăn để mình trở thành một phần cuộc sống ở đây giữa cộng đồng người Mỹ. Không có nhiều cuộc nói chuyện giữa những người bạn và đồng nghiệp ở đây mà mình ko thể tham gia và hiểu rõ. Ngay cả cách hành xử, nói thật ra cũng không có nhiều khác biệt so với cách mình sống từ ở nhà, nên cũng chẳng có gì khác biệt: lịch sự, tử tế, tôn trọng, và cởi mở với mọi người, làm việc nghiêm túc, với đầy nhiệt huyết và chuyên nghiệp hết mức có thể. Tuy nhiên, có 1 điều duy nhất mà mình vẫn luôn trăn trở khi sống ở 1 đất nước cách xa quê hương nửa vòng Trái Đất, giữa những con người mà cách đây 41 năm vẫn còn là kẻ thù bên kia chiến tuyến của ông bà, bố mẹ mình. Điều đó là cái identity (sự nhận dạng) của mình với tư cách là 1 người Việt Nam sinh ra lớn lên ở Việt Nam đang sống xa nhà.
Nghĩ cho kỹ thì thật ra 4 năm cũng chưa là cái gì so với nhiều người khác, mình cũng chẳng bao giờ đi đâu chơi xa xôi, toàn ở nhà học bài. Chỗ xa nhất mà mình từng đi khỏi San Francisco là Anaheim và Burbank trong 1 vài lần đi convention, nhưng cũng khó mà nói về hiểu biết của mình về nước Mỹ. Cùng lắm là mình chỉ có thể tự tin nói là mình đã sống cùng rất nhiều những người Mỹ ở California. Nhưng mình cũng có những trải nghiệm cá nhân mà mình muốn chia sẻ về việc là 1 người Việt Nam sống ở đây.
–
Thứ nhất là tiếng Việt. Ai follow mình trên facebook thì có thể thấy là hầu hết stt của mình là bằng tiếng Anh, do mình muốn hướng đến cả những người bạn quốc tế của mình. Nhưng một khi đã viết tiếng Việt, mình luôn cố gắng hết sức có thể để viết hoàn toàn bằng tiếng Việt có dấu. Thực lòng mà nói, vì mình đã quá quen dùng tiếng Anh, nên ngay cả khi còn ở VN, nhiều khi mình cũng dùng tiếng Anh để thay thế cho những từ mà mình thấy dễ diễn tả hơn bằng tiếng Anh. Nhưng việc ở đây vì lý do gì đó đã khiến cho mình cảm thấy một khi đã viết tiếng Việt, thì nó phải là tiếng Việt đầy đủ, đủ dấu. Tất nhiên, mình ko phải chuyên gia tiếng Việt, kiến thức của mình về ngôn ngữ mẹ đẻ cũng chỉ giống như tất cả mọi người khác được học khi lớn lên ở Việt Nam qua giáo dục công. Thế nên khi nói là viết tiếng Việt đầy đủ ý là chỉ trong hiểu biết tối đa của mình mà thôi, nên vẫn sẽ có những lúc viết sai. Sự thật là do mình rất thích học hỏi và tiếp thu thêm các kiến thức mới về tiếng Anh, nên trong đầu thường xuyên nghĩ bằng tiếng Anh là chủ yếu, dù trong cuộc sống hàng ngày vẫn sử dụng tiếng Việt. Thế nên nhiều khi muốn nói điều gì đó thì cảm thấy là nói bằng tiếng Anh tự nhiên hơn, rõ ý hơn, và xảy ra tình trạng là chêm tiếng Anh vào giữa các câu tiếng Việt, chứ ko phải do sính ngoại hay gì. Mình ý thức được điều này ở bản thân, và cái việc ở đất khách dường như đã kích thích khiến cho mình cảm thấy cần phải giữ gìn cái hình ảnh/bản chất con người Việt Nam ở trong mình, để nó không bị hòa tan vào dòng chảy của cuộc sống phương Tây. Ở đây, cứ khi nào gõ cái gì, mình đều phải suy nghĩ rất kỹ, lựa chọn từ ngữ tiếng Việt sao cho đúng nhất trong khả năng của mình, cố gắng hết sức để tránh dùng các từ tiếng Anh. Mỗi lần bó tay, ko tìm ra từ tiếng Việt hợp lý cho cái mình đang muốn nói và bắt buộc phải dùng tiếng Anh, mình lại cảm thấy cứ đáng xấu hổ thế nào ấy.
–
Thứ 2 là văn hóa. Như mình đã nói, mình được sinh ra trong 1 gia đình có khá nhiều ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây, bản thân mình cũng yêu thích văn hóa phương Tây hơn là yêu thích văn hóa của chính đất nước mình. Những thứ như chèo, tuồng, hương khói, lễ lạt, trang phục truyền thống,… chưa bao giờ khiến mình có nhiều hứng thú, vì đó không phải những điều gắn liền với cuộc sống thường ngày của mình. Thực lòng mà nói, cũng đã có những lúc mình cảm thấy trong thâm tâm có phần hơi hối tiếc và hơi tự xấu hổ với bản thân vì đã không quan tâm nhiều hơn đến văn hóa của quê hương chính mình, nhưng nói chung là điều này chưa bao giờ thành vấn đề gì quá lớn. Nhưng khi đi hết nửa vòng Trái Đất, đặt chân lên đất Mỹ, sống giữa những con người ở 1 nền văn hóa khác, một điều gì đó đã thay đổi trong con người mình và khiến mình phải trân trọng hơn cái cội nguồn của mình.
–
Mỗi khi mình phải làm 1 bài tập nào đó trên lớp, các thầy cô giáo thường nói là “Hãy sáng tạo 1 nhân vật của riêng bạn”, “Hãy kể câu chuyện của cá nhân bạn”,… vân vân, và mỗi lần mình nghe thấy điều đó, mình đều cảm thấy giật mình. Mình là ai nếu không phải là một “người Việt Nam”, sinh ra, được dạy dỗ, và lớn lên ở Việt Nam, bởi những người Việt Nam, sống giữa những người Việt Nam suốt cả cuộc đời. Vậy thì “cá nhân” mình có cái gì để đưa vào tranh mà có thể trở nên khác biệt với các bạn bè quốc tế khác ở đây? Đây chính là những giây phút, những suy nghĩ, tư duy đã thúc đẩy mình, khiến mình trở nên tò mò hơn, thích thú hơn, và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về văn hóa Việt Nam. Những lúc này mình mới giật mình nghĩ ra: thật ra về mặt hình ảnh của đất nước Việt Nam, mình không cảm thấy bản thân có đủ nhiều hiểu biết về chính đất nước của bản thân mình ngoài những gì được học trong sách, đọc trong báo, xem trên tivi, chứ một cách sâu sắc và nghiên cứu thì mình cũng không thực sự hiểu nhiều. Ví dụ như người Việt Nam thì mặc quần áo ra sao, ở nhà cửa thế nào, có những thói quen gì, văn hóa tín ngưỡng có gì thú vị, độc đáo… Và chính nhờ những băn khoăn thế này, mình đã bắt đầu tự học hỏi hơn được rất nhiều, đặc biệt là về các câu chuyện thần thoại, cổ tích của Việt Nam từ một số sách vở sưu tầm được. Tất nhiên so với các bạn mà thực sự đam mê về vấn đề này, nghiên cứu say mê hơn mình rất nhiều mà mình biết trên mạng, thì những gì mình mới học được về văn hóa Việt Nam quả thực vẫn chưa là cái si nhê gì để đem so sánh với ai. Nhưng mình cảm thấy cho tới thời điểm hiện tại, mình đã có 1 lượng hiểu biết vừa đủ để mình làm cảm hứng sáng tạo ra những tác phẩm, nhân vật, và câu chuyện của riêng mình. Điều này chỉ khiến mình càng thêm cảm thấy phải học hỏi nhiều hơn nữa để trong tương lai khi trở lại quê hương, những điều mình dành cả đam mê thực hiện có thể phản ánh nhiều hơn hai chữ “Việt Nam”.
–
Nghĩ cho kỹ thì những điều trên nó xuất phát từ một tâm lý mà mình luôn mang trong đầu từ khi hạ cánh xuống San Francisco: Áp lực “đại diện” cho cả một quốc gia, dù quốc gia đó có nhỏ bé. Đó là 1 cái áp lực mà mình đảm bảo với các bạn rằng cực kỳ nặng nề trong tâm trí mình hầu hết thời gian mình ở đây. Trong mọi tình huống, ở mọi nơi, làm mọi việc, mình luôn cảm thấy rằng bất kể việc gì dù là nhỏ nhất mà mình đang làm ở đây đều sẽ chính là bộ mặt của Tổ quốc. Rằng khi bất cứ người nước ngoài nào gặp gỡ, giao lưu, làm việc, chơi bời với mình, họ sẽ không chỉ đơn giản nhìn mình với tư cách là 1 cá nhân, mà họ sẽ nhìn thấy Việt Nam. Với họ, mình sẽ chính là ví dụ gần gũi nhất, sinh động nhất, quan trọng nhất về nơi mình xuất xứ. Chính vì thế, mình lại càng luôn trong trạng thái cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân hơn trong cả công việc, học tập, và cả ứng xử với xã hội bên ngoài. Mình đẩy bản thân làm việc với một thái độ chuyên nghiệp, gọn gàng hết sức có thể trong mọi tình huống, nhưng cũng không quên tìm mọi cơ hội để thể hiện sự năng động, linh hoạt, khả năng cá nhân một cách tích cực nhất. (Thôi dài rồi, với cả bài viết từ lâu rồi nên quên hết là còn gì muốn nói rồi nên dừng ở đây thôi.)