Kubo and the Two Strings (2016) – Review – Part 2

kubo01

Kubo and the Two Strings (2016) Review Spoiler phần 2, bạn nào chưa xem phim thì đừng đọc tiếp.

—————-

Đi xem lại Kubo lần thứ 2 vì sau lần 1 đã quá thích, và muốn ủng hộ một studio tuyệt vời như LAIKA, và mình nhận ra là có quá nhiều thứ mình đã bỏ lỡ, bỏ quên, hoặc không nhận ra từ lần xem đầu tiên. Lần này đi xem, mình đã có nhiều sự tập trung hơn vào cốt truyện và những chủ đề và thông điệp ẩn dụ đằng sau những mồ hôi công sức của tập thể studio đã đổ vào kỹ thuật stop motion cho phim.

Như review trước mình đã từng nói, chủ đề lớn nhất của Kubo and the Two strings chính là sức mạnh của các “câu chuyện”, và suốt chiều dài bộ phim, hầu như bất cứ chi tiết nào cũng đều được xây dựng một cách cực kỳ tinh tế để truyền tải chính xác điều này. Chỉ cần bạn “chớp mắt” hay mất tập trung dù chỉ một chút, đúng như lời hướng dẫn của Kubo khi cậu bé kể chuyện cho mọi người trong làng, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều quan trọng, và rất có thể “người anh hùng” trong câu chuyện mà bạn đang theo dõi sẽ bị “khuất phục”. Có lẽ chưa bao giờ có một bộ phim nào lại miêu tả nguyên tắc số một khi xem phim của chính bản thân mình một cách thấm thía đến như thế này, nhưng nguyên tắc này đặc biệt chính xác khi miêu tả về chính bộ phim.

Ngay từ đầu ta đã được biết rằng người dân trong làng ai ai cũng đều cực kỳ hâm mộ và yêu mến cậu bé Kubo làm nghề kể chuyện, hàng ngày dùng phép thuật của mình điều khiển các hình nhân Origami để minh họa cho những thiên anh hùng ca về chiến binh Hanzo vĩ đại và những con quái vật khủng khiếp mà chàng phải đối mặt. Những con người trong khu làng này chính là những người đã yêu mến những câu chuyện đầy cuốn hút, và họ đã được những câu chuyện này truyền cảm hứng để giúp cho chính cuộc sống của họ thêm vui vẻ và phong phú hơn, như bà cụ dưới chợ còn biết gợi ý cho Kubo về con gà phun lửa, hay chính câu chuyện về ông chồng đã khuất của bà cả đời không nói câu nào mà đến lúc chết lại nói không điểm dừng. Ngay cả phong tục thả đèn của các gia đình để tưởng nhớ người thân đã khuất của họ cũng được dựa trên cốt lõi là những “câu chuyện”, hay cụ thể hơn ở đây là những “ký ức” của họ sẽ sống mãi trong tim mỗi người. Có lẽ không có một cộng đồng nào hiểu rõ hơn giá trị thật sự của những “câu chuyện” như ở ngôi làng nhỏ bên sông này. Và cũng chính nhờ thế, chính họ là những người đã giúp góp vào những câu chuyện của riêng họ, cho dù không phải sự thật, giúp chuyển hóa một linh hồn vốn mù lòa và khô lạnh như Moon King trở thành một con người tốt và hòa hợp được với cả cộng đồng. Bởi vì hơn ai hết, chính những con người này, những người ngày ngày vẫn tưởng nhớ về gia đình đã khuất của mình, hiểu rõ nhất về sức mạnh vĩnh hằng của những “câu chuyện”. Đây không phải là một sự dối trá, đây là thay vì lấy đi sinh mạng của một người, mà vốn là gia đình, để khai sáng và cải hóa cho đôi mắt mù lòa của họ có thể “nhìn thấy” được cái đẹp của “nhân gian” (humanity như trong thoại gốc của phim). Cách giải quyết này của phim có thể nói là một trong số những xử lý theo mình là xuất sắc nhất trong một bộ phim, đặc biệt là phim hoạt hình, khi nhân vật chính phải đối đầu với kẻ xấu. Nó không chỉ tóm hết tất cả những chi tiết mà nhà làm phim đã dành toàn bộ chiều dài của bộ phim để xây dựng về sức mạnh của những “câu chuyện”, mà còn là một cách giải quyết cực kỳ “nhân văn” và thông minh.

Hơn nữa, kết thúc này của phim còn mang một thông điệp khác, phản ánh một tầng nghĩa khác trong chủ đề của phim: Người lớn đối đầu với trẻ con. Cả bộ phim dường như chính là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa những người “kể chuyện” – nhà làm phim – từ góc nhìn của thiếu nhi với tất cả các bậc phụ huynh rằng: Tại sao mọi người lại “mù lòa” đến thế trước sự kỳ diệu của các “câu chuyện”? Tại sao con người cứ khi lớn lên là không còn xem hoạt hình, coi rẻ truyện tranh, xem phim thì chê bai dè bỉu, là phải “đánh giá” theo cách của các “nhà phê bình”? Tại sao cứ lớn lên là không còn “nhìn” thấy được những phép màu của những câu chuyện mà ngày bé chúng ta từng mê mẩn, yêu thích? Chúng ta tưởng rằng khi lớn lên, khi lên đến được “vương quốc giữa các vì sao” ở tít trên cao, khi sống giữa “ánh trăng sáng vằng vặc” mỗi đêm, là chúng ta hiểu được “sự thật” của cuộc sống hơn đứa trẻ con ngây thơ với những anh hùng và lý tưởng ngây thơ. Nhưng thực ra “ánh trăng” cũng chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của mặt trời, biểu tượng luôn xuất hiện trên tất cả các bảo bối trong phim như áo giáp, gươm thần, và mũ thần. Và khi ở tít trên cao, sống giữa ánh sáng xanh lạnh lẽo, trái tim của chúng ta cũng trở nên lạnh lẽo, xa dời với nhân loại, đôi mắt trở nên mù lòa, không còn muốn “nhìn” thấy những điều trong sáng và thánh thiện nữa. Trường đoạn giấc mơ của Kubo ở khoảng giữa phim cũng có một lời thoại của Moon King thể hiện điều này khi ông ta nói rằng ông ta còn “Mù gấp đôi” so với Kubo. Để rồi một ngày, chúng ta sẽ muốn tước đi tất cả những “tầm nhìn” đó (lấy đi con mắt) của con trẻ, bắt chúng phải “lớn” lên, phải hi sinh cái trí tưởng tượng và những ước mơ đó để chúng trở nên trống rỗng giống như mình. Chính vì ý nghĩa này mà chi tiết Moon King bị mất trí ở cuối phim càng trở nên giá trị, vì giờ ông ta đã trở thành một trang giấy trắng, giống như một đứa trẻ vậy, để cho những câu chuyện của dân làng được tràn vào và làm nên một con người mới tốt đẹp hơn cho xã hội. Đó chẳng phải là cách của một đứa trẻ nhân chi sơ tính bản thiện có thể lớn lên thành người sao? Chẳng phải là một khởi đầu mới quá nhân văn cho một con người sao? Và nếu như để ý, bạn sẽ thấy giờ đây Moon King đã có thể “nhìn” thấy với 1 bên mắt trước kia từng tước đoạt của chính Kubo, một con mắt của trí tưởng tượng, con mắt có khả năng nhìn thấu tâm hồn con người, con mắt của những câu chuyện. Moon King đã không còn là một kẻ “mù” nữa rồi.

Cũng vẫn nằm trong trường đoạn chiến đấu cuối cùng của Kubo và Moon King, nhiều bạn cho rằng bộ giáp và thanh kiếm bỗng nhiên không có giá trị gì trong việc đánh bại Moon King. Mình cho rằng có lẽ bạn đã hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của bộ giáp này trong câu chuyện. “Bộ giáp thần” gồm 3 mảnh: Thanh kiếm không thể gãy, bộ giáp không thể xuyên thủng, và chiếc mũ thần – tất cả đều chỉ là một phần của “câu chuyện” mà Kubo đã được nghe mẹ của mình kể lại, và được Kubo kể lại cho dân làng. Khi câu chuyện kể về nhân vật chính có tài năng “kể chuyện”, thì một bộ giáp thần, một sức mạnh tới từ bên ngoài, chưa từng có ai giành được, chưa từng được kiểm chứng, không thể là yếu tố then chốt để đánh bại kẻ xấu được. Bộ giáp không phải là sức mạnh thật sự của Kubo, mà là “những câu chuyện”, hay trong trường hợp cụ thể này là “ký ức”. Thật ra ngay trong trường đoạn này, Kubo cũng nhấn mạnh khá rõ khi đề cập đến những người đã khuất của dân làng, rằng đây là “những câu chuyện”, và đó mới là cội nguồn của “nhân gian”, là thứ sẽ bảo vệ tất cả mọi người và đánh bại Moon King. Lại có bạn thắc mắc tại sao cây đàn của Kubo lại có 3 cái dây chứ không phải 2 như tên phim. Bạn đùa sao? Cái dây thứ 3 chính là Kubo rồi còn gì? Hay ở đây đại diện cho Kubo chính là 1 sợi dây cột tóc chứ còn đâu? Và 2 sợi dây còn lại thì quá rõ ràng rồi, chính là đại diện cho ký ức của cha mẹ Kubo đó thôi. Một chi tiết quá tinh tế trong kịch bản khi tất cả những cuộc phiêu lưu và chiến đấu từ đầu phim đều phục vụ cho cội nguồn của các sợi dây: một sợi tóc của mẹ, một sợi tóc của bố, và một sợi từ chính bản thân mình, hay hiểu theo cách khác thì là “câu chuyện của mẹ”, “câu chuyện của cha”, và “câu chuyện của chính mình”.

Có một điều thú vị ở hai nhân vật bố và mẹ của Kubo trong phim, đó là cả 2 đều là những nhân vật đã bị tước mất đi câu chuyện của họ theo một cách nào đó: Mẹ của Kubo có một trí nhớ bị tổn thương, lúc tỉnh lúc mê, chỉ thật sự sống động khi có con trai ở bên, và khi bám víu vào những ký ức vụn vỡ, không theo một thứ tự nào về tình yêu của cuộc đời mình. Vết sẹo trên mặt của mẹ sau cú đập mặt vào tảng đá dưới đáy biển có hình dạng giống như một vết nứt, chính là có ý nghĩa như vậy. Trong khi đó Hanzo thì bị trúng lời nguyền, trở thành một con bọ với ký ức chập chờn thì mang đôi mắt được thể hiện khá giống với đôi mắt mù của Moon King như đã nói ở trên, nhưng bản chất con người của anh ta vẫn chưa bị mất đi. Toàn bộ phép thuật của mẹ phút cuối đời được dành trọn vẹn để biến chú khỉ gỗ thành sinh vật sống trong giây phút hiểm nguy tìm cách cứu con, và cũng chính vì thế, Monkey mang trong mình tất cả ký ức thật sự của mẹ, những “câu chuyện” mà bấy lâu nay bị rạn nứt và kìm nén. Thật ra chi tiết này hoàn toàn hợp lý với chính tín ngưỡng của dân làng, cũng như truyền thuyết về việc những chú chim đưa hồn người đã khuất trở về cõi âm mà Monkey đã kể: Rằng khi một người chết đi, câu chuyện của họ không kết thúc, mà sẽ được tiếp tục theo một cách khác. Mình cho rằng thật ra trong câu chuyện này, Beetle và Monkey không thật sự là do bố mẹ cậu bé biến thành, mà chỉ là những “phương tiện” có mang theo “ký ức” của vợ chồng Hanzo, vốn thực ra đã qua đời mà thôi. Về bản chất, chúng cũng chính là những “hồn ma”, những “câu chuyện” còn chưa kết thúc của 2 con người đã từng chìm trong tình yêu, của bố và mẹ, chỉ có là chúng được kể tiếp trong những hình hài mới mà thôi. Sự xuất hiện và đồng hành của Monkey và Hanzo bên cạnh Kubo trong suốt cuộc phiêu lưu giống như để giúp nỗi đau mất mát cha mẹ của cậu bé được nguôi dịu đi, và để những ước mơ thầm kín nhất về một gia đình đoàn tụ, cho dù cũng có lúc xích mích giống như bao gia đình khác, được trở thành sự thật.

Có ai để ý rằng, thật ra tất cả những chướng ngại vật và thử thách trong hành trình của Kubo cũng đều mang theo ý nghĩa riêng của chúng về giá trị thực sự của những “câu chuyện” không? Thanh kiếm không bao giờ gãy được cắm sâu trên ĐẦU của một bộ xương khổng lồ, nằm lẫn trong rất nhiều những thanh kiếm khác, và ngay khi thanh kiếm được rút ra cũng là khi bộ xương bị “tắt điện”, bị đánh bại. Đây chính là một gợi ý về sự mất mát “ký ức” trong hành trình này. Bộ giáp thì được giấu trong một khu vườn của những “con mắt”, một ẩn dụ có phần còn rõ ràng hơn và kéo dài suốt từ đầu phim về “ký ức” như mình đã nói ở các mục trước. Nhưng quan trọng nhất theo mình chính là ở chiếc mũ – mảnh ghép cuối cùng của những báu vật trong câu chuyện của mẹ, lại thật ra chính là cái chuông báo giờ của dân làng từ bấy lâu nay. Bằng một cách mà không khiến Kubo nhận ra, chiếc mũ đã âm thầm bảo vệ hai mẹ con suốt bao nhiêu năm khỏi sự truy tìm của Moon King, khi làm nhiệm vụ của một chiếc chuông nhắc nhở để cậu bé luôn “nhớ” giờ về nhà trước khi bóng tối ập đến. Khi nhận ra chi tiết này trong lần thứ 2 xem phim, mình quả thật cảm thấy thật sự vô cùng tâm đắc về ý nghĩa ẩn dụ của nó, một chi tiết mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bỏ qua.

Điều cuối cùng, mình cảm thấy có một sự tôn trọng cực kỳ lớn đối với LAIKA khi thực hiện bộ phim này vì trong đội ngũ làm phim có rất nhiều người Nhật thực sự làm ở những bộ phận quan trọng về kịch bản, về tư vấn văn hóa. Đây là một trong số những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng ở Hollywood khi văn hóa châu Á thường xuyên được sử dụng trong phim ảnh nhưng lại bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng, thậm chí còn thay thế nhân vật gốc Á thành diễn viên da trắng. Cá nhân mình không biết nhiều về văn hóa Nhật Bản, nhưng theo những gì mình xem trong phim, cũng như với những cái tên Nhật mà mình nhìn thấy trong credit ở những bộ phận tư vấn nội dung và văn hóa, mình thực sự cảm thấy yên tâm rằng cho dù phim có nhiều những biến tấu nhất định để phục vụ cho một bối cảnh thần thoại tưởng tượng, và một câu chuyện có nhiều tính cá nhân của tác giả kịch bản, nhưng chắc chắn đó vẫn là những sáng tạo mang tính tôn trọng và tôn vinh văn hóa của đất nước này. Chưa kể, phim còn có sự tham gia của một số diễn viên lồng tiếng người Nhật, Mỹ gốc Nhật, và cả sự giúp đỡ của các tổ chức văn hóa Nhật Bản ở Mỹ như Japanese Foundation of Los Angeles.

Và còn rất rất rất nhiều những điều khác, những chi tiết cực kỳ tinh túy trong phim có giá trị truyền tải thông điệp mà khi xem phim mình có thể nhận ra và cảm thấy rùng mình, cảm thấy rơi lệ, nhưng chẳng thể nào nhớ hết được mà đưa vào. Hiếm có bộ phim nào, nhất là hoạt hình chiếu rạp cho mình những cảm xúc, những cảm nhận đến mức tinh hoa về nội dung, về kỹ thuật truyền đạt câu chuyện của nhà làm phim như trong Kubo and the Two Strings. Cá nhân mình cho rằng một khi đã là một người làm nghệ thuật, hoặc một người yêu nghệ thuật với một sự đắm đuối đích thực, thì sẽ không thể nào mà không điên cuồng yêu thích bộ phim này được. Đây thực sự đã chính thức trở thành 1 trong số những phim hoạt hình mà mình thích nhất mọi thời đại.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s