Wreck-it-Ralph (2012): 9,5/10
Thú thực là tớ biết đôi lúc tớ chấm điểm phim khá là cảm tính, và nhiều khi có những phim có điểm tương đương nhau chưa chắc độ hay đã tương đương nhau. Nhưng như tớ đã nói, tớ chấm điểm phim theo cảm nhận cá nhân của tớ, nếu bạn cảm thấy giống tớ thì tốt, còn nếu không thì cũng không trách nhau được, vì chúng ta khác nhau. Phim hay dở ra sao, trong review tớ đều nói rõ, và thường tớ xem phim tớ tìm cái hay trước khi tìm cái dở, nên điểm tớ chấm cũng theo những tiêu chí như vậy.
WIR có thể nói là phim hoạt hình hay nhất do Disney Animation Studios tự sản xuất trong nhiều năm nay, kể từ khi thời hoàng kim của các công chúa kết thúc, và kể từ khi Pixar nổi lên và đặt nền móng cho một đế chế mới. Tuy nhiên trong khoảng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy DAS đang lấy lại phong độ của mình. Những phim như Princess and the Frog, Tangled, hay thậm chí là Bolt, đều cho thấy sự tinh tế trong kịch bản của Disney đang trở lại. Nếu với Tangled, Disney đã chứng minh cho mọi người thấy rằng các nàng công chúa vẫn là lãnh địa không thể xâm phạm của hãng, thì Wreck-It-Ralph giống như bản tuyên ngôn về sự trở lại chính thức của “ông vua hoạt hình” 1 thời. Và rằng, Pixar không phải cái tên duy nhất về hoạt hình dưới mái nhà Disney.
Lúc đầu khi nghe đến việc một phim hoạt hình về video game, mình đã không thấy hi vọng nhiều cho lắm, nhưng vẫn bình tĩnh chờ đợi, không bày tỏ thái độ, không hi vọng, không phủ nhận. Và đến khi được xem phim thì sự chờ đợi của mình đã có kết quả không tưởng. Wreck-it-Ralph có một kịch bản vô cùng phức tạp (đối với một bộ phim hoạt hình Disney có nội dung hướng tới thiếu nhi), với hàng loạt những tình huống đan xen nhau, ảnh hưởng tới nhau, kết nối một cách cực kỳ mềm mại, tinh tế, móc nối với nhau bằng đầy những tình huống đắt giá và dẫn dắt người xem từ đầu tới cuối quá khéo léo. Kết cấu kịch bản của phim giống như trò Domino, khi một quân bài Domino đổ, hay khi Ralph quyết định ra khỏi hệ thống, thì sẽ làm loạn tất cả mọi trật tự trong hệ thống – tất cả các quân Domino khác đều đổ vỡ theo – đặc biệt là các quân Domino được xem tẽ ra theo hình cành cây. Các tình huống gây đổ vỡ – hay còn gọi là turning point – của phim đều được xây dựng rất khéo léo, đầy thú vị và bất ngờ, và đặc biệt là luôn có những mấu chốt mang tính “chờ thời” để bùng nổ vào 1 thời điểm khác của phim.
Bên cạnh câu chuyện chính, phim có 1 vài đoạn hồi tưởng mà theo mình là được làm khá thông minh và đan rất tốt vào mạch chuyện chính để rồi gây bất ngờ khá thú vị ở cuối phim. Phim khiến cho mình liên tưởng đến Tron vì premise khá giống, và nghĩ là nếu như sequel của Tron cũng sẽ được viết kịch bản tốt như thế này thì ắt hẳn sẽ rất tuyệt vời. Và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu thế giới của Tron và Wreck-it-Ralph được hợp nhất lại làm một, vì cả 2 đều là của Disney. Phim tập hợp hàng loạt các nhân vật game nổi tiếng mà nhiều bạn sẽ nhận ra, hầu hết là của Capcom như Street Fighter, Sonic, Pacman,… và những nhân vật này đều gây ra những tiếng cười tinh tế cực kỳ thú vị cho phim.
Một điều khá thú vị là mặc dù là phim có đề tài khá “khô” về video game, nhưng lại làm quá tốt về mặt cảm xúc của nhân vật. Mặc dù cái cách xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật để khơi dậy cảm xúc cho tình huống có phần “cliché”, nhưng những điểm mấu chốt về cảm xúc đã được làm quá tốt về mặt cinematography, và khiến cho nó cực kỳ đắt giá. Mình thực sự đã khóc khi xem những trường đoạn cảm xúc này và nghĩ rằng Disney đây rồi, Disney đã trở lại rồi. (một phần cũng còn bởi vì quá thích cái cách người ta làm phim)
Bên cạnh những điều tuyệt vời về mặt điện ảnh, thì với tư cách 1 người đang học về animation, mình cũng phải nói một vài điều về animation của phim. Giống như Hotel Transylvania, phim có rất nhiều những thử nghiệm thú vị về animation khi cố gắng mô phỏng phong cách animation của các video game 8-bit của những năm 80. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong animation của các nhân vật trong Fix-it-Felix junior. Chuyển động của các nhân vật này không phải là chuyển động mềm mượt, mà giật cục, vì họ hoàn toàn bỏ đi rất nhiều in between, hầu như chỉ giữ key frames và breakdowns để mô phỏng cảm giác mà các game đời cũ gây ra. Hay như Ralph mỗi khi đập phá đều chuyển động cực nhanh, hầu như chỉ có mỗi 2 key frames là lúc giơ tay lên và đập tay xuống và cho hiệu ứng cực kỳ tuyệt vời trong một số trường đoạn. Các nhân vật khác trong các game khác nhau cũng đều có những đặc trưng nhất định về animation, không chỉ phản ánh tính cách của nhân vật, mà còn phản ánh cả đặc trưng của game mà nhân vật đó tham gia.
Thế giới của WIR được xây dựng quá thú vị, như mọi người đã xem trong trailer, các game trong khu trò chơi được kết nối với nhau qua ổ cắm điện, và cái ổ cắm điện đó chính là Game Central Station, nơi các nhân vật game sau 1 ngày làm việc trong game có thể nghỉ ngơi, giao lưu, thậm chí sang game của nhau nghịch ngợm. Và chính nơi đây cũng là một điểm đến mấu chốt gây ra hàng loạt sự đổ vỡ về sự kiện trong phim và khiến cho bộ phim càng trở nên kịch tính. Mỗi game đều có một tông màu khác nhau, có một cách xây dựng khác nhau, và đều đẹp tuyệt vời, đẹp đến ngây ngất, thú vị đến phát khóc (theo nghĩa đen), đặc biệt là Sugar Rush của cô bé Venellope.
Đã quá lâu rồi mình không có được cảm giác “đã đời”, phê như con tê tê với 1 phim của Disney (mà không phải công chúa) như thế này, và điều mình nghĩ sau khi ra khỏi rạp chính là cái status mà mình đã nói “This is the best Disney movie in year!!! Disney is back, people!!!”. Đúng thực vậy, với cái kịch bản có độ phức tạp thế này (mức độ vừa phải, ko quá đơn giản, ko quá cliché, không quá phức tạp), thì Disney thực sự đã quay trở lại với phong độ vốn có của mình, với những thứ đã làm nên tên tuổi của “ông hoàng hoạt hình”, của tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em trên toàn thế giới (theo nghĩa đen).