Nếu như Real Steel và Rise of Apes như mình đã nói cho tới thời điểm này là phim hay nhất năm, thì Tin Tin chính thức là bộ phim hoạt hình đỉnh nhất 2011 không có gì phải bàn cãi.
Một lần nữa mình lại phải khẳng định lại, một bộ phim thật hay không cần phải thật ghê gớm khó hiểu triết lý, mà đó phải là một bộ phim được xây dựng thật chỉn chu với những điểm nhấn giá trị đáng lưu ý. Và Tin Tin 3D chính là một bộ phim như vậy. Nó hoàn hảo đến từng chân tơ kẽ tóc (theo đúng nghĩa đen), bám rất sát tinh thần của truyện tranh, có những điểm nhấn cực kỳ mãn nhãn về mặt hình ảnh.
Vì không phải fan của truyện tranh (vì hồi xưa ko có nhiều cơ hội được đọc nhiều) nên mình sẽ không đề cập đến những gì liên quan tới truyện tranh. Tuy nhiên với những gì mình biết về Tin Tin, thì bộ phim này đã vô cùng thành công trong việc capture được cái tinh thần trinh thám kiểu nhà báo của Tin Tin mà Herge đã từng vẽ nên trong những khung tranh. Một cái tinh thần khác, mà theo mình là quan trọng hơn trong phim, chính là tinh thần Adventure (Phiêu lưu) cực kỳ đậm đặc. Cái tinh thần này đã được bàn tay tài hoa của Steven Spielberg nhào nặn quá tuyệt hảo. Từ đầu tới cuối phim là liên tiếp nối đuôi nhau bởi hàng loạt những tình tiết, trường đoạn hành động kiểu Indiana Jones hết sức choáng ngợp, đẹp mắt, liều lĩnh và nức lòng người xem. Những pha rượt đuổi, cháy nổ được thực hiện vô cùng “chỉnh”, không thể góp ý gì hơn.
Tất nhiên khỏi phải bàn về mặt kịch bản. Đó là câu chuyện về Tin Tin – một nhà báo trẻ kiêm thám tử vô cùng quả cảm, thông minh, cá tính và hết sức cống hiến cho công việc, dù có phải đưa chính tính mạng bản thân ra đặt cược. Đương nhiên, đó ko thể là 1 câu chuyện “không hay” được. Cái chất trinh thám pha lẫn phiêu lưu nghẹt thở của câu chuyện phim không phải là “kiệt tác”, nhưng nó đủ sự hấp dẫn tuyệt vời để cuốn khán giả vào từng giây phút của bộ phim, khiến cho họ đắm chìm theo dõi những điều bất ngờ thú vị chuẩn bị ùa ra để khiến họ ngây ngất.
Nhưng nói về câu chuyện phim mà không nói về kĩ năng dẫn chuyện tuyệt vời của đạo diễn, và đặc biệt hơn, tận dụng sức mạnh có thể nói là “vô đối” của kỹ xảo motion capture thì quá thiếu sót. Nếu phải nói thế nào để mô tả về sự hoàn mỹ trong kỹ xảo dựng hình motion capture của Tin Tin 3D thì chỉ còn cách nói là “Té ghế, ngất, không đỡ được” và vân vân. Vì hình ảnh trong phim hoàn hảo quá, chuẩn mực quá. Các nhân vật, dù được tạo hình vẫn bám sát tạo hình trong truyện tranh nhưng có cái độ “thực” cao đến mức nếu không biết ngay từ đầu đây là phim hoạt hình, hay là xem phim lâu không để ý thì sẽ quên mất, tưởng đây là một bộ phim người đóng được quay phim quá đẹp.
Khác với các phim trước đây cũng từng sử dụng kỹ xảo này như The Polar Express, Beowulf, A Christmas Carol,… hầu như đều là những cố gắng trong vô vọng của nhà làm phim khi muốn truyền tải cái hồn của con người trong thực tế vào mô hình 3D trong phim, thì Tin Tin đã vượt qua cái ngưỡng đấy một đoạn rất xa. Các nhân vật trong Tin Tin có diễn xuất động tác, diễn xuất của cơ mặt, mắt mũi miệng, đặc biệt là cái hồn trong mắt nhân vật, đều có thể nói là thật tới từng chi tiết. Nói là nó “thật” như vậy thì chúng có “hồn”, chúng cho cảm giác như đó là một nhân vật con người thực sự, chứ ko phải là 1 cái mô hình hoạt hình 3D có hoạt động mượt mà tới mức giả tạo, hay đôi mắt trong veo nhưng vô hồn như những người tiền nhiệm. Và tất nhiên, điều này còn đúng hơn khi nói về phần bối cảnh. Tất cả các địa danh trong phim, từ tự nhiên cho tới các thành phố, đều đẹp như thật, thật như tranh vẽ. Ánh sáng trong phim được mô phỏng tự nhiên tới ngưỡng khó tin, khó ai mà dám bảo thứ ánh sáng trong phim trên mặt các nhân vật không phải ánh sáng mặt trời thực sự.
Và thứ khiến cho Tin Tin xứng đáng mọi lời ca ngợi chính là tài năng xử lý phim của đạo diễn. Tất cả – có thể nói là tất cả các trường đoạn trong phim đều được sử dụng những pha chuyển cảnh vô cùng sáng tạo, đầy bất ngờ, và đẹp đến ngây ngất, đủ để xiêu lòng bất cứ khán giả nào yêu cái đẹp. Cái sự bá đạo của các pha chuyển cảnh này nếu nói bằng lời thì không hết, nhưng để mà so với những bộ phim trước kia cũng từng sử dụng các pha chuyển cảnh tương tự (Beowulf, Christmas Carol) thì chưa bao giờ chúng đạt được đến độ thẩm mỹ và nghệ thuật cao như trong Tin Tin. Cũng có thể một phần nhờ phần tạo hình quá thật đã tăng hiệu quả của các pha như vậy. Ngoài ra đó còn là những pha lia máy quay vô tiền khoáng hậu, những pha one-take tưng bừng mà nếu như đây là một bộ phim người đóng thì hoàn toàn không thể thực hiện được. Những cú lia máy này chính là thứ khiến cho giá trị về mặt thẩm mỹ, cinematography của phim trở nên cao cấp hơn rất nhiều lần.
Điều cuối cùng cần phải đề cập đến chính là phần intro của phim được thực hiện theo phong cách hoạt hình 2D sử dụng mảng miếng. Nếu mình ko nhầm thì có lần đã được xem 1 đoạn intro fanmade do 1 mem trên youtube thực hiện theo phong cách này, và thật may mắn anh ta đã được nhà sản xuất Tin Tin triệu tập để tham gia làm cho phim. Chưa nghiên cứu nên ko dám chắc đoạn intro này có phải do anh ta thực hiện hay không, nhưng thực sự, nếu bạn là người quan tâm tới nghệ thuật hoạt hình và yêu thích nó, bạn sẽ yêu luôn cái đoạn intro quá mê tơi biết bơi này.
Chốt lại, The Adventures of Tin Tin 3D: Secrets of the Unicorn là một tuyệt tác thẩm mỹ không còn gì phải bàn cãi, đã hoàn thiện điều mà các bộ phim tiền nhiệm mà tớ đã đề cập ở trên chưa từng làm được. Không chỉ vậy, cùng với trình độ không gì phủ nhận được của Steven Spielberg và một kịch bản chặt chẽ, đủ thú vị và hấp dẫn, Tin Tin trở thành một bộ phim không biết chê vào đâu và chê cái gì. Và bộ phim này chính thức nhận 1 phiếu của tớ (tất nhiên là vote cho vui :”>) cho giải Phim Hoạt hình hay nhất năm, Kỹ xảo hình ảnh hay nhất, và Cinematography tuyệt vời nhất. Còn nếu nó không được thì… thôi :”>. Quan trọng là mình cảm thấy thế nào thôi chứ còn người khác thì sao cũng được. Và nói chung, đây là một bộ phim phải xem, phải thích, không thích thì phải xem lại tại sao người khác thích cho đến khi thích thì thôi!
ĐIểm: 9/10
(Hôm rồi xem có bạn cùng xem cảm giác cũng rất khác :”>)