Iron Man 3 (2013) – 9/10
(REVIEW NÀY MANG TÍNH PHÂN TÍCH NÊN SẼ TIẾT LỘ RẤT NHIỀU VỀ NỘI DUNG PHIM NÊN NHỮNG AI CHƯA XEM PHIM THÌ ĐỪNG ĐỌC TIẾP)
Phim hay nhất trong toàn bộ 3 phần của Iron Man, phim hay nhất trong hệ thống phim Marvel Cinematic Universe (MCU), chỉ ngay sau The Avengers năm ngoái.
Nếu như series Batman của Nolan được làm theo cách kéo mọi thứ xuống thành gần nhất với hiện thực, biến tất cả những nhân vật có tính chất fantasy comic book của Batman thành người thường hết và chỉ có vũ khí duy nhất là trí tuệ – thì trong mắt mình hệ thống phim của MCU nằm ở ranh giới giữa truyện tranh gốc và sự thực tế. Iron Man 3 nằm trong số những phim nghiêng nhiều về hướng hiện thực hơn là những điều fantasy bay bổng tưng bừng như Avengers hay Thor, và đối với mình, nó đã thành công trong việc xử lý những nhân vật có tính chất fantasy từ truyện tranh, biến nó thành nhân vật phù hợp hơn với bối cảnh của Iron Man trong phiên bản điện ảnh theo một cái cách rất riêng, thông minh và cực kỳ thú vị.
(Ấn link sau để đọc tiếp)
Một trong số những điều mình từng yêu thích nhất của series Batman của Nolan thực ra không phải Joker, mà là cái cách mà họ xây dựng các nhân vật mang nhiều tính fantasy như Ra’s Al Ghul hay Bane, biến những nhân vật này trở nên đời thực hơn, xử lý một cách vô cùng thông minh để họ khớp với thế giới do Nolan tạo ra. Ra’s Al Ghul không thực sự bất tử, mà tinh thần của lão bất tử thông qua Talia. Bane không thực sự có sức mạnh cơ bắp cuồn cuộn, mà sức mạnh của hắn là ở khả năng kích động đám đông. Còn trong Iron Man 3, Mandarin chỉ là 1 vỏ bọc cho một nhân vật phản diện khác quan trọng hơn, chuyển thể một cách không chỉ cực kỳ thông minh mà còn thú vị vô cùng 2 trong số những thứ quan trọng nhất về Iron Man phiên bản truyện tranh lên màn ảnh và khiến nó phù hợp với tổng quan chung về thế giới của Iron Man: Mandarin và Extremis.
Riêng về vấn đề này, mình phải cho rằng công tác marketing của Disney và Marvel cho phim thuộc dạng đẳng cấp “Tuyệt đỉnh Kung fu”. Tất cả những gì người xem được thấy, được biết về phim, từ trailer, poster, tv spot, … đều là những chiêu tung hỏa mù vô tiền khoáng hậu, và thực sự là hiếm có phim blockbuster mùa hè nào từng làm được điều này một cách trơn tru và kỹ lưỡng đến như vậy. Với cá nhân mình mà nói, mỗi khi xem trailer, và sau đó là xem phim, mình đều hi vọng rằng phim sẽ có nhiều những điều thú vị hơn là đưa tất tật những cái hay nhất vào trong trailer, đặc biệt sẽ tuyệt hơn rất nhiều nếu như phim có những cái twist khiến cho khán giả bất ngờ không lường trước được. Với những gì đã được thấy, và ngay cả với cái cách mà phim xây dựng dần cốt truyện, thì phải nói là rất khó để có thể đoán trước được những điều bất ngờ mà phim ẩn chứa. Ngay cả những khi mà khán giả đinh ninh rằng đã hết cái để bất ngờ, thì phim lại tiếp tục khiến cho chúng ta bất ngờ thêm vài lần nữa. Và với tư cách là 1 người mê xem phim, mình cực kỳ thích thú với những điều bất ngờ mà mình được thưởng thức từ phim, vì đó đều là những mấu chốt mang tính cực kỳ sáng tạo, tinh tế trong kịch bản.
Quay trở lại vấn đề Mandarin và Extremis. Extremis là 1 series hạn chế trong 6 tập về Iron Man có vai trò làm sống lại nhân vật này sau 1 thời gian dài nhân vật ko được khán giả thực sự đón nhận, nhưng thực ra không liên quan gì đến dòng truyện chính thức của Marvel. Toàn bộ series phim Iron Man từ năm 2008 đến nay đã tập trung phát triển dựa trên cái “tông” mà series truyện này vạch ra, đặc biệt là về mặt hình ảnh. Ngay cả họa sĩ chính của truyện là Adi Granov cũng đã được mời tham gia làm rất nhiều concept art cực kỳ đã mắt cho 2 phần trước của phim cũng như các phim khác của Marvel. Cũng phải nói thêm, Extremis có cách tiếp cận với câu chuyện về Iron Man khá giống với Batman của Nolan. Nó mang nhiều tính chất sát với đời thực hơn, sử dụng rất nhiều những yếu tố khoa học, công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21 như nano tech để phục vụ cho cốt truyện. Với cách hiểu đó, ta cũng có thể hiểu vì sao Mandarin khó có thể đóng vai trò nào hợp lý hơn trong Iron man 3, và cái cách mà phim xử lý một nhân vật mang nặng tính fantasy như Mandarin, và đan xen nó một cách thông minh và khéo léo như vậy vào một cốt truyện có cột sống là Extremis – một cốt truyện mang nhiều tính thực tế và công nghệ hơn. Nếu để ý kỹ, mọi người sẽ thấy là ngoài Thor và Avengers là 2 phim mang tính fantasy khá nặng nề, những câu chuyện về các nhân vật khác trong MCU đều cân bằng rất tốt 2 tính chất hiện thực và fantasy này, đặc biệt là Iron Man chủ yếu tập trung về các công nghệ khoa học. Cá nhân mình đánh giá cái cách mà phim xử lý Mandarin ngay từ những công tác marketing, thực hiện trailer là cực kỳ tuyệt vời, cực kỳ thông minh, chỉ biết dùng 1 từ “GENIUS”. (sự thật là lúc ngồi trong rạp mình đã phải thốt lên từ Genius với đứa bạn người Mỹ ngồi bên cạnh)
Bên cạnh đó, Iron Man 3 còn là màn phô diễn công nghệ cao, bao gồm dàn armor cực kỳ đã mắt sung sướng cho bất cứ thằng nerd nào, và cả những cái cách Tony Stark sử dụng và mặc giáp chỉ có thể dùng từ “vô tiền khoáng hậu” bởi độ sáng tạo tăng dần theo cấp số nhân từ phần 1 tới nay. Đây chính là 1 trong số những điều cool nhất của dòng phim về Iron Man, và cũng là điều khiến mình thích Iron man phiên bản phim hơn các phim khác – những bộ giáp và những concept về công nghệ quá cool, quá đã, quá đẹp, quá badass không ngừng tăng độ sướng qua từng phim một. Đặc biệt còn bởi vì mình là 1 thằng rất mê công nghệ cao và rất quan tâm đến mặt thẩm mỹ trong design của các thứ công nghệ. Và phải nói là màn chiến đấu cuối phim là 1 trong số những màn chiến đấu mãn nhãn nhất mình từng xem trong MCU, đặc biệt là pha phô diễn của Pepper Potts.
Về mặt kịch bản, ngoài sự genius mình đã nói ở trên về cách xử lý Mandarin, thì phim đã chọn 1 cái hướng đi theo mình là hay và có hiệu quả tốt hơn nhiều so với cách Nolan tiếp cận với nhân vật Batman trong The Dark Knight Rises. Nhiều người nói rằng cái việc khiến cho nhân vật anh hùng bị quỵ ngã rồi sau đó gượng dậy được đang trở thành trend và Iron Man 3 cũng vậy, mình thì hoàn toàn không đồng ý. Iron Man 3 không hề nói gì về việc Tony quỵ ngã và phải gượng dậy, thay vào đó phim chỉ tạo ra 1 tình huống khiến cho Tony không thể tiếp tục phụ thuộc vào những bộ giáp hùng mạnh của mình nữa. Và chính điều này khiến cho nhân vật Tony Stark được khai thác một cách chất lượng hơn rất nhiều. Đây là 1 bộ phim điện ảnh live action có diễn viên thật đóng hẳn hoi, không phải là 1 bộ phim hoạt hình để chúng ta lúc nào cũng mong chờ được nhìn thấy Tony Stark mặc những bộ giáp đẹp mắt bay tứ tung khắp nơi được. Một bộ phim live action cần phải khiến cho nhân vật mới là sự quan trọng cần được chú tới và Iron Man đã làm điều này tốt hơn cả 2 phần trước cộng lại, kết hợp với diễn xuất không thể nói được gì hơn của RDJ, thì Tony Stark thực sự đã tỏa sáng. Đây là lần đầu tiên một phim Iron Man khiến cho Tony Stark thực sự quay trở lại bản chất của mình, và cũng chính là cái khiến cho nhân vật Tony Stark thú vị hơn các nhân vật khác trong MCU – một thiên tài cơ khí- The Mechanic. Điều khiến Tony Stark thật tuyệt vời ko phải là ở bộ giáp mà là ở bộ não của Tony – thứ đã làm nên tất cả những bộ giáp awesome kia. Và trong một tình huống không thể tiếp cận được với những sự bá đạo mà bộ giáp từng mang lại, thậm chí là người cận vệ trung thành JARVIS, thì Tony đã được bùng nổ về mặt trí tuệ khi có những pha tùy cơ ứng biến sáng tạo cực kỳ thú vị mà ta đã được thấy trong phim. Và một bộ phim khai thác tốt về mặt “con người” cho những nhân vật trong phim luôn là một bộ phim tốt.
Không chỉ có sự khai thác về nhân vật tuyệt vời, Iron Man 3 còn có một cốt truyện rất khác so với 2 người tiền nhiệm của mình – trinh thám. Đây chính là phong cách đặc trưng của đạo diễn Shane Black – người từng làm bộ phim trinh thám cực đỉnh Kiss Kiss Bang Bang. Toàn bộ nội dung của Iron Man 3 xoay quanh những bí ẩn, những âm mưu được che giấu, và trong quá trình tìm lại bản chất của chính mình – một thiên tài – Tony còn chứng tỏ được rằng việc tham gia đóng phim Sherlock Holmes hoàn toàn không uổng phí :)). Chỉ có điều trong Iron Man thì cái sự trinh thám và lần theo dấu vết được sự trợ giúp đắc lực của công nghệ siêu cao (cao hơn cả Sherlock của BBC) và một anh Watson tí hon Harley. Đến đây mình phải đánh giá rằng Harley là 1 nhân vật được khai thác rất tinh tế. Cái cách mà phim xây dựng nhân vật này là con của 1 người làm nghề sửa ô tô có thể xem như cách mà phim bắt Tony phải xem xét lại quá khứ từng bị bố mình – Howard Stark đối xử không ra gì, và Harley giống như 1 anh con “hờ”. Harley cũng có 1 ông bố từng không coi mình ra gì, và Tony thì là 1 ông bố dở ẹc. Nhưng rồi cái kết dường như là cách mà Tony trả nợ, bù đắp lại cho chính 1 phần tuổi thơ bị khuyết của cả mình và Harley vậy.
Và điều cuối cùng, Pepper Potts was fucking awesome, period. Nhân vật người yêu của siêu nhân hay nhất trong lịch sử các loại siêu nhân.