Review: Man of Steel (2013)

Click the image to view it on deviantART

Man of Steel (2013) – 8/10

Đi xem cùng 1 đám nerd bạn người Mỹ, xem xong chúng nó chê lên chê xuống, nhưng mình thì thích phim này vô cùng, và chắc chắn là sẽ xem lại vài lần nữa bằng IMAX. Cái này đặt gạch viết vài câu, còn review phân tích kỹ dài dòng thì để cuối tuần.

Quá tuyệt vời, phim này chính là phim Superman mà mình mong đợi suốt từ thời Christopher Reeve. Hình ảnh tuyệt vời, diễn viên tuyệt vời, dẫn chuyện tuyệt vời, hành động tuyệt vời. Phim không phải là không có nhiều lỗi logic, và phạm phải 1 số điều khá nguy hiểm đụng chạm tới fan boy, nhưng với những gì phim mang lại thì mình cho là những cái đấy không quan trọng và thưởng thức phim một cách hết sức sướng.

(Click link để đọc tiếp)


——————–

*CẢNH BÁO: TỪ ĐÂY TRỞ ĐI REVIEW SẼ TIẾT LỘ RẤT NHIỀU NỘI DUNG PHIM VÌ REVIEW CÓ MANG TÍNH PHÂN TÍCH, BẠN NÀO CHƯA XEM THÌ KO NÊN ĐỌC TIẾP, MÌNH KHÔNG CHỊU TRÁCH NHIỆM*

Như hôm trước đã nói, Man of Steel là phiên bản điện ảnh hay nhất từ trước tới nay về Superman mà mình từng được xem, kể từ thời Christopher Reeve trở đi. Để tóm tắt nội dung phim thì đơn giản là “10 phần phim Smallville bó gọn trong nửa đầu phim, và Superman 2 trong nửa còn lại”.

Đầu tiên phải nói là Superman theo mình luôn là một nhân vật rất khó để làm thành 1 bộ phim điện ảnh thực sự “hay” về mặt nội dung, vì Superman là 1 nhân vật quá mạnh, và câu chuyện về nhân vật này đôi khi cũng rất dễ “chán”. Nhưng Man of Steel đã có được một câu chuyện đủ thú vị và giải quyết êm thấm trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Kịch bản của MoS bám theo 1 ý tưởng xuyên suốt “Nên hay không nên tiết lộ danh tính của mình với thế giới- một người ngoài hành tinh có sức mạnh không tưởng”, và tất cả mọi thứ trong ít nhất là nửa đầu phim đều được làm nhằm phục vụ cho cái ý tưởng này. Và theo mình phim đã làm tốt phần này, dù chưa thật sự xuất sắc và còn nhiều lỗ hổng, cái này thì đến cuối bài sẽ nói sau.

Nhưng xem MoS xong mình lại trở lại 1 trong số những trăn trở của mình từ trước tới nay về điện ảnh là: Một bộ phim hay quan trọng ở câu chuyện hay, hay quan trọng ở cách kể chuyện hay? Và câu trả lời cho Man of Steel chính là cách kể chuyện hay. Phim này phải nói là 1 trong số những phim có cách dẫn chuyện tuyệt vời nhất mình từng được xem. Tất cả mọi góc quay, xử lý, di chuyển,… đều khiến cho hình tượng nhân vật trở nên vô cùng đẹp, và mang đầy tính biểu tượng – một huyền thoại. Hình ảnh người đàn ông thép trong tâm trí bất cứ thằng trẻ con phương Tây nào trở nên đẹp, oai hùng, và quan trọng nhất là mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong Man of Steel.

Nửa đầu phim là câu chuyện tận thế ở hành tinh Krypton, và là sự pha trộn giữa cuộc chu du khắp thế giới tìm kiếm cội nguồn của Clark Kent với những hình ảnh flashback nhớ lại những sự kiện mang tính cách mạng trong tuổi thơ của anh. Bản thân mình chưa bao giờ là fan của cách kể chuyện pha lẫn flashback này, nhưng MoS đã làm điều này quá tốt khiến mình cảm thấy vô cùng thích thú. Zack Snyder đã có sự xử lý flashback vô cùng hiệu quả, chọn được tất cả những thời điểm đắt giá nhất trong cuộc hành trình của Clark Kent để kéo anh ta về với quá khứ đầy trăn trở của mình. Bảo đắt giá vì không chỉ nhịp phim được tâng qua tâng lại giữa flashback và hiện tại tạo cảm giác rất tốt, mà còn vì flashback đều là những sự kiện có ý nghĩa bổ sung và làm giàu thêm cho câu chuyện tìm kiếm của Clark Kent trong hiện tại. Cách dẫn chuyện hiệu quả này đã khiến cho cái cảm giác chung cho bộ phim có một chiều sâu về cảm xúc, và xây dựng tốt vào cái ý tưởng “Thế giới đã sẵn sàng đón nhận ta chưa?” mà phim vạch ra từ đầu. Một cách ngắn gọn thì MoS đã kể câu chuyện thời niên thiếu của Superman hay hơn, sâu hơn, đắt giá hơn 10 phần Smallville từng làm.

Và nửa còn lại của phim là một cuộc bứt phá vô tiền khoáng hậu của thiên tài Zack Snyder với sở trường đạo diễn những cảnh hành động vô cùng hoành tráng của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử người xem được chứng kiến những pha chiến đấu tay đôi cực kỳ điên cuồng, đẹp mắt, sung sướng đến nổi da gà giữa Superman và những đối thủ ngang cơ đến từ cùng hành tinh Krypton quê hương anh. Những cú đấm long trời lở đất, rụng nhà rơi cửa, người bay xuyên lục địa, phải nói là phê hơn cả con tê tê. Hiệu quả của điều này phải nói đến sự lựa chọn trong việc xử lý các cảnh này. Thường trong các phim hành động những năm gần đây, kể cả phim siêu anh hùng, các cảnh hành động thường được làm theo cách quay rung rung, cận cảnh, hình ảnh lộn xộn vô cùng, không thể nhìn rõ được đâu là địch đâu là ta. Nhưng Zack Snyder thì không làm những điều ngớ ngẩn như vậy. Hành động là 1 trong số những thứ hay nhất, cần được xem rõ nét nhất, và cần phải làm đẹp nhất trong những phim siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh, và Zack biết rõ cách để làm được điều đó. Thực ra thì phim này không còn những pha slow motion quay chậm mang tính thương hiệu của Zack nữa, nhưng bù lại, những pha lia máy vòng quanh cuộc chiến với nhịp độ cực kỳ nhuần nhuyễn như một cuộc khiêu vũ, việc đóng đinh điểm trung tâm của cuộc chiến vào một nhân vật nhất định qua từng trường đoạn đánh nhau và giữ độ cân bằng cho hình ảnh khi zoom ra và vào trong những cảnh này, không để cho hình ảnh bị lộn xộn, chính là thứ đã khiến cho MoS là một trong số những phim siêu anh hùng xuất sắc nhất chỉ nói về hành động. Và quan trọng nhất, những pha bay lượn của Superman trong phim thì thôi rồi lượm ơi, đẹp không còn gì để nói.

Tất cả mọi lựa chọn về hình ảnh trong phim này: từ thiết kế mỹ thuật, quay phim, nhịp phim, hành động,… đều được làm trên cả tuyệt vời và hơn cả mong đợi, và đã làm nên một bộ phim có sự hoành tráng, rộng lớn, chi tiết, tạo được cảm giác “sâu” về cảm xúc khi xem phim, thể hiện tuyệt vời sự mạnh mẽ, hùng tráng của một câu chuyện về Superman, nhưng cũng không hề bỏ quên bi kịch.

Như mình đã nói rất nhiều lần về lựa chọn diễn viên trong phim này: XUẤT SẮC. Henry Cavill chính là Superman. Không chỉ bởi vì có khuôn mặt cực kỳ chuẩn cho vai này với cái cằm chẻ, Henry còn có cái sự “manly”- một vẻ đàn ông cực kỳ mạnh mẽ mà từ trước tới nay mình chưa bao giờ thấy trong bất cứ diễn viên nào vào vai này. Không hiểu vì lý do gì mà trong các phiên bản điện ảnh của Superman trước kia người ta đều chọn những ông luôn có vẻ gì đó yếu đuối, thậm chí hơi thục nữ, và mình luôn cảm thấy ngứa ngáy về điều đó. Không chỉ thế, Henry cũng toát được lên cái thần thái của nhân vật Clark Kent/Superman – một vẻ thân thiện từ trong ánh mắt. Mình cứ nghĩ sẽ khó có ai thay thế được Tom Welling của Smallville về độ hợp vai, nhưng khi nhìn thấy Henry Cavill thì thực sự là đã phải thay đổi suy nghĩ. Hơn nữa anh Henry này còn đẹp trai hơn tất cả các anh Superman trước kia cộng lại ;)) – lý do hoàn hảo để chị em nên đi xem phim này.

Riêng với các anh em – Lois Lane tuyệt vời nhất trong lịch sử Superman, vừa xinh đẹp, vừa có sự sắc sảo, thông minh, ánh lên ngay trong mắt Amy Adams. Tất cả những điều quan trọng nhất của nhân vật này đều được Amy thể hiện 1 cách tinh tế, và kịch bản cũng đã tôn nhân vật này lên đủ hiệu quả. Zod và Faora xứng đáng là 1 trong số những nhân vật phản diện chất lượng nhất kể từ đầu hè đến giờ, nếu so sánh với Khan của Star Trek. Zod không chỉ có sự điên cuồng, sự đáng sợ đến từ từng ánh mắt, lời nói, mà còn có một mục đích cực kỳ nhất quán xuyên suốt. Tất cả những gì hắn ta làm đều phục vụ cho mục đích duy nhất đó, bất kể sự trả giá có như thế nào đi chăng nữa. Faora không chỉ có nhan sắc, những pha chiến đấu của cô này phải nói là quá bá đạo, cộng thêm một ánh mắt khét lẹt và một đoạn thoại tuy ngắn nhưng theo mình là cực kỳ đắt giá dành cho nhân vật này. Phim tạo khá nhiều đất để cho các nhân vật người Trái Đất có dịp biểu diễn, và thể hiện rằng người Trái Đất có khả năng tự chủ, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào siêu anh hùng cứu thế. Theo mình đây cũng là 1 lựa chọn thú vị trong kịch bản, mặc dù chưa được thực hiện đủ độ sâu. Ngoài ra thì mình đánh giá cao Jor El và Lara Jor El – bố mẹ đẻ của Clark ở hành tinh Krypton, và mình cho rằng trường đoạn tận thế được thực hiện một cách rất có giá trị. Trong khi đó thì Johnathan Kent và Martha Kent của Kevin Costner và Diane Lane thì có thể đánh giá là tròn vai.

Tuy nhiên, MoS không phải là 1 phim hoàn hảo, và bất chấp việc mình cảm thấy đây là 1 trong số những phim hay nhất được xem từ đầu hè và đã cho 8/10 điểm, mình vẫn phải thừa nhận phim có rất nhiều lỗi về kịch bản mà mình sẽ liệt kê ra sau đây, một lần nữa, như đã nói, nếu bạn chưa xem phim thì nên dừng lại:

– Clark Kent đứng nhìn bố chết – người viết kịch bản đã quá chú tâm vào việc xây dựng ý tưởng “thế giới chưa sẵn sàng” mà bỏ quên sự hợp lý trong kịch bản. Không đời nào 1 đứa con như Clark Kent mà lại có thể để yên cho bố mình chết như vậy cả, cho dù là ông ta có giơ tay ra bảo đừng đi chăng nữa.

– Superman mải đánh nhau, bỏ mặc mẹ mình đứng 1 mình với 1 đám người Krypton đang đe dọa mẹ mình. Đoạn này khiến mình rất nhức nhối vì nghĩ là Superman sẽ chỉ đánh bay Faora đi và ở lại cứu mẹ đến 1 nơi an toàn đã rồi mới đi đánh nhau tiếp. Ai dè đâu ông chăm chăm lao đi đánh nhau đã, trong khi ở đấy vẫn còn 1 đám Kryptonian vô cùng nguy hiểm.

– Superman đánh nhau long trời lở đất, rơi nhà rụng cửa, tan hoang thành phố, và không thèm cứu người. Số người dân vô tội bị chết trong những pha chiến đấu hoành tráng đẹp mắt trong phim này chắc ko thể đếm xuể. Mình đã đinh ninh là Superman thể nào cũng sẽ đến kịp và cứu Jenny Olsen mắc kẹt giữa đống đổ nát, ai dè không phải. Rồi nhà cửa rụng rơi, bê tông gạch đá, ô tô bay tứ tung, phá nát hết cả thành phố mà anh Superman chỉ quan tâm đến việc đánh nhau, không quan tâm đến người vô tội đứng xung quanh.

– Zod không hiểu vì sao ngay khi đến Trái Đất không dùng ngay cái máy khoan để 1 là thực hiện ý đồ xâm lược, 2 là sẽ là một động lực hiệu quả hơn để Kal El phải ra mặt, đỡ mất công tìm kiếm. Hơn nữa, như thế thì khi Superman ra mặt cứu thế sẽ trở thành 1 màn ra mắt hiệu quả hơn trong mắt người Trái Đất, và giải quyết thuyết phục hơn cái ý “thế giới đã sẵn sàng chưa?”.

– Superman giết Zod. Cái này theo mình là 1 lựa chọn mang tính liều mạng của người viết kịch bản, nhằm bi kịch hóa và hiện thực hóa nhân vật, không làm cho Superman là 1 nhân vật hoàn hảo không bao giờ giết người như trước nữa. Hơn nữa tình huống được lựa chọn để Superman giết Zod cũng là 1 tình huống khá sát sao và khiến cho việc giết người có vẻ như có thể chấp nhận được, và Superman sau đó cũng tỏ ra đau khổ. Tuy nhiên với những fan lâu năm của Superman thì sẽ là 1 điều khó chấp nhận. Vì Superman là 1 nhân vật hoàn hảo, là 1 siêu anh hùng với nguyên tắc không bao giờ giết người, và cho dù tình huống có nguy hiểm đến đâu cũng luôn tìm ra cách khắc phục. Nhưng cá nhân mình cho rằng đây không phải là 1 vấn đề quá to tát vì nhiều lý do: 1 – Đây là một Superman mới khởi đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều bi kịch, chưa bao giờ phải lựa chọn gì nhiều mâu thuẫn lắm, vẫn còn rất non. Việc giết Zod khi ko có lựa chọn gì cũng có thể là 1 nền tảng tốt để phục vụ cho nguyên tắc “ko giết người” mà sau này Superman sẽ theo đuổi – nhằm mục đích không bao giờ lặp lại sai lầm đó nữa.
2 – Khiến cho Superman trở thành 1 nhân vật không còn hoàn hảo nữa mà có thêm sự bi kịch, nhằm hiện thực hóa, bi kịch hóa nhân vật, khiến nhân vật có sự đáng tin hơn.
3 – Không làm thế thì chả biết 2 cụ còn đánh nhau đến bao giờ vì 2 thằng này đều khỏe như nhau.

– Các nhân vật trong phim, ngoài Zod và Superman ra thì chưa được xây dựng có đủ chiều sâu, chưa thuyết phục, do phim tập trung quá nhiều vào xây dựng câu chuyện và cái ý “thế giới đã sẵn sàng chưa”. Mối quan hệ giữa các nhân vật cũng chưa đủ độ sâu, nhất là quan hệ cha/con, mẹ/con giữa Clark và ông bà nhà Kent.

Nói chung tất cả những điều ko ổn của MoS đều nằm ở kịch bản do David S Goyer và Chris Nolan thực hiện, trong khi cái quan trọng nhất với mình là cách kể chuyện do Zack Snyder thực hiện thì lại hết sức tuyệt vời. Những lỗi này trong kịch bản khi đặt vào tổng thể phim thì theo mình đều là những điều có thể nhìn qua được, không đủ để khiến phim thành phim dở. Và vì thế mình cho rằng 8/10 là 1 điểm số công bằng dành cho bom tấn thứ 3 của mùa hè. Nói một cách ngắn gọn thì MoS là một phim có kịch bản chưa hoàn hảo, nhưng cách dẫn chuyện thì tuyệt vời.

2 thoughts on “Review: Man of Steel (2013)

  1. Mình vẫn chưa coi phim (hôm qua và hôm trước nữa ra đều hết vé), nhưng mình thật sự rất thích nhân vật superman của Brandon Routh trong superman return( 1 trong những phim thích nhất của mình) – 1 superman hoàn toàn chính chắn và cô độc, luôn hiểu mình cần làm điều gì đúng nhất và tốt nhất. Còn ở phim này mình lại nghĩ đến 1 superman của sự khởi đầu và còn mắc nhiều sai lầm, và như bạn nói: đang trên đường tìm kiếm sự hoàn hảo trong bản ngã. Mình nghĩ sẽ thật thú vị khi xem 1 superman như thế.

    Về Lois Lane – mình đã thở phào khi nghe tin vai diễn này sẽ được giao cho Amy Adams ( cảm giác giống như nghe tin catwoman được giao cho Anne Hathaway vậy – và mình đã không lầm). Mình xem 1 bài bình luận cho rằng Amy Adams đã tạo cho Lois Lane nét đồng cảm, gần như tình mẫu tử dành cho superman – và 1 lần nữa, mình thật sự thích như thế

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s