– Doctor Who là 1 show có khả năng thỏa mãn tất cả mọi người với tất cả các sở thích khác nhau về điện ảnh. Bởi vì mỗi tập phim của Doctor Who gần như là 1 thể loại điện ảnh hoàn toàn khác hẳn, và đôi khi sẽ khiến cho bạn cảm thấy như show này trở thành 1 show hoàn toàn mới chứ không nhất quán theo 1 công thức cố định nào. Nó có thể là phim kinh dị, phim hài, phim tâm lý, phim tình cảm, phim thiếu nhi, phim phiêu lưu, phim hành động, phim viễn tưởng, phim lịch sử, phim thần thoại, phim sử thi, phim trinh thám, phim tội phạm, phim theo kiểu retro, phim noir… Tất cả, vâng, TẤT CẢ các thể loại điện ảnh trên đời này, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy trong Doctor Who. Có thể nó sẽ rơi vào từng tập phim, có thể nó sẽ là một sự kết hợp cực kỳ khéo léo và tinh tế giữa các thể loại khác nhau,… Và dù bạn có là fan của thể loại phim nào đi nữa, hoặc là thể loại truyện nào đi nữa, bạn cũng sẽ được thỏa mãn với Doctor Who.
– Doctor Who là 1 show có cội rễ là sci-fi – viễn tưởng, nhưng cái hay của show không nằm ở cái việc nó là viễn tưởng, mà hoàn toàn phụ thuộc vào một hệ thống kịch bản được xây dựng vô cùng sâu sắc theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói sâu sắc ở đây nghĩa có nhiều nghĩa:
+ Kịch bản từng tập vô cùng chặt chẽ, thú vị, ý tưởng vô cùng điên loạn và sáng tạo, nội dung gần như không thể nào đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra.
+ Cách dẫn chuyện vô cùng tinh tế, độc đáo, thông minh, dẫn dắt và lôi kéo người xem không thể dời mắt khỏi màn hình, vì chỉ dời nửa giây thôi là sẽ bỏ lỡ 1 hình ảnh dù nhỏ nhưng quan trọng, hoặc 1 câu thoại sẽ gây ra thay đổi hoàn toàn câu chuyện trong phần còn lại của tập phim.
+ Mỗi tập phim đều có chiều sâu Triết lý vô cùng nhân văn, độ ẩn dụ nhiều tầng lớp, tính biểu tượng cực kỳ cao, tập trung đào sâu và khai thác vô cùng phức tạp và thông minh những vấn đề tâm lý, tâm thần, bản chất và bản năng của con người trong những tình huống, tình trạng khác nhau cực kỳ đa dạng và vô cùng thấm thía.
+ Hệ thống câu chuyện dài với những tình tiết vô cùng nhỏ, vô cùng tinh tế, ban đầu tưởng chừng như là vô nghĩa, tưởng chừng như là chỉ cho xong, cho quên, nhưng rồi sẽ có lúc trở lại và đóng những vai trò không tưởng trong cả tuyến chuyện dài của nhiều phần khác nhau. Có những nhân vật, những câu thoại, những đồ vật, những chi tiết, tình huống rất nhỏ thôi, rất thoáng qua thôi, cũng đã đủ để có lúc khiến tất cả mọi thứ, tất cả vũ trụ phải loạn tùng phèo lên, và dù bạn chỉ bỏ lỡ 1 giây phim thôi cũng đã đủ để không hiểu gì trong cả tập phim và cả tuyến phim dài rồi.
+ Kịch bản cả cho từng tập lẫn theo tuyến chuyện dài đều có 1 sự đan xen vừa chặt chẽ, vừa phức tạp đến kinh khủng khiếp, và khán giả phải vô cùng tỉnh táo cũng như có 1 trí nhớ khá tốt (hoặc quay lại xem lại các tập trước) thì mới có thể bình tĩnh theo dõi được những diễn tiến câu chuyện vô cùng loằng ngoằng ảnh hưởng bởi từ cả việc du hành không gian lẫn thời gian suốt từ những tập phim đầu tiên cho tới tận những tập cuối cùng. Về cơ bản là độ phức tạp trong câu chuyện của Doctor Who chỉ có thể đo đếm được khi bạn đã thực sự tập trung theo dõi show này một cách nghiêm túc. Cứ thử tưởng tượng, một chi tiết, một câu nói, một sự kiện, một nhân vật được tính toán kỹ lưỡng và được gợi ý từ trước khi chuyện đó/nhân vật đó xảy ra những 2, 3 season. Hoặc kinh khủng hơn, tưởng tượng 1 phim truyền hình đã kéo dài 7 season, theo format mỗi tập 1 chuyện khác nhau, đã thay diễn viên chính 3 lần, và nhà sản xuất 2 lần, nhưng những chuyện ở season 7 vẫn có liên hệ mật thiết và hết sức mấu chốt từ những chi tiết, những chuyện, những nhân vật từ những tập đầu tiên của season đầu tiên.
+ Doctor Who tập trung rất nhiều thời gian và kỹ thuật dẫn chuyện tuyệt vời để đào sâu vào khía cạnh con người, khai thác chiều sâu tâm lý cũng như chiều sâu background của từng nhân vật từ chính tới phụ, từ quan trọng đến nhân vật bên lề. Các nhân vật trong phim đều được xây dựng cực kỳ chặt chẽ và tinh tế, và khiến cho khán giả trở nên gắn bó với nhân vật ở một mức độ tâm lý rất sâu. Tất cả các nhân vật, họ đều được gửi gắm những tư duy, những tính cách, những phản ứng, những đức tính hết sức “con người”, giống như một tấm gương phản ánh chính chúng ta – những khán giả đang xem phim, và khiến chúng ta phải tự xem xét lại bản thân mình, và tự đặt mình vào vị trí của nhân vật.

Và đó cũng chính là 1 trong số những triết lý quan trọng nhất của toàn bộ 50 năm của phim. Bất cứ ai cũng đều có thể thay đổi thế giới, thậm chí là cả vũ trụ và lịch sử, nếu như họ có thể nhận ra được điều đó.
– Bi kịch. Như mình đã từng đề cập trong review trước. Doctor Who là một câu chuyện bi kịch xé lòng ở nhiều khía cạnh, đủ để khiến cho khán giả của phim luôn phải tuôn trào nước mắt hết lần này đến lần khác. Bi kịch là khi bạn yêu 1 người nhưng bạn biết rằng bạn sẽ chẳng bao giờ có 1 tương lai hạnh phúc với người đó. Là khi bạn mất nhiều năm ở bên người ta nhưng cả 2 không lần nào mở miệng ra nói “yêu” cho dù chỉ 1 lần. Là khi bạn là người cuối cùng của chủng loài của mình, trôi dạt một mình trong vũ trụ vô tận, cô đơn không gì đếm xuể. Là khi bạn đã sống hàng nghìn năm, và những người bạn, người yêu gần gũi nhất của bạn, lần lượt bỏ bạn ra đi, có thể là chết, có thể là bị kẹt, có thể là bị bỏ rơi, có thể là quên mất nhau. Là khi bạn đã được chạm tới những vì sao trong khắp vũ trụ, được gặp, chiến đấu, giao lưu với đủ loại người ngoài hành tinh điên rồ nhất trên những hành tinh quái đản nhất trong vũ trụ, được bắt tay, nói chuyện với những nhân vật lịch sử quan trọng nhất của nhân loại, và bạn bị bỏ lại, trở về với cuộc sống thường nhật nhạt nhẽo ngày ngày đi làm, kiếm tiền đi ăn với những công việc nhàm chán. Là khi bạn hi sinh tất cả mọi thứ, cùng nhau trải qua tất cả những điều điên rồ nhất trong cả vũ trụ, để rồi vì một lý do nào đó, chẳng thể gặp nhau được nữa, nếu không sẽ xé tan hết cả thiên hà, đốt cháy cả mặt trời, hoặc những điều tương tự. Là khi bạn nghĩ là bạn đã hiểu một ai đó, tưởng rằng biết mọi thứ về người ta, và rồi đùng 1 cái, cái mặt họ thay đổi hẳn, biến thành người khác. Là khi bạn chờ đợi một người suốt vài nghìn năm với chỉ 1 niềm tin duy nhất rằng họ sẽ trở lại, với chỉ duy nhất 1 thứ trong người – tình yêu. Là khi bạn yêu 1 người đến độ bạn đi vòng quanh thế giới vì người đó, nhưng người đó chẳng bao giờ nhìn thấy và nhận ra tình cảm của bạn. Và còn nhiều điều nữa mà chỉ có khi thực sự để tâm vào xem phim, bạn mới có thể cảm nhận được, và những giọt nước mắt bạn sẽ rơi cho những bi kịch đó sẽ luôn vô cùng xứng đáng.

– Tình yêu. Như ở phần bi kịch và phần thể loại phim đã nói sơ qua, khía cạnh tâm lý, tình cảm của Doctor Who được thực hiện quá nghệ thuật, quá tinh tế, và quá khéo. Bởi vì suốt 7 season, rất nhiều các bạn đồng hành nữ của Doctor đã có tình cảm với ông, và ngược lại, nhưng không 1 lần nào, không một nhân vật nào phải mở miệng ra nói từ “yêu” với nhau dù chỉ 1 lần, nhưng khán giả vẫn có thể cảm nhận được cái thứ tình yêu vừa phức tạp, vừa bi kịch đó của họ. Trong Doctor Who, tình yêu không nằm ở lời nói, mà ở ánh mắt, ở bi kịch, ở những cử chỉ tinh tế, những lời thoại sâu sắc, và cả những hi sinh xé lòng mà họ làm vì nhau, cho nhau. Một trong số những phim có khía cạnh này được thực hiện hay nhất mà mình từng xem từ trước đến nay, và cũng vì thế, những bạn nữ yêu thích các phim drama tình cảm (sến sủa) hoàn toàn có thể xem, yêu thích và ghi nhận phim này.
– Một khi mà đã là fan của thể loại phim khoa học viễn tưởng, đã xem nhiều phim trong thể loại này, thì bạn phải biết đến Doctor Who. Bởi vì mình có thể khẳng định, và sẽ có rất nhiều người đồng ý với mình về vấn đề này, rằng Doctor Who là một hệ thống những ý tưởng và câu chuyện khoa học viễn tưởng điên rồ nhất từ trước tới nay. Những ý tưởng trong phim có thể nói là một khi đã xem phim thì sẽ luôn cảm thấy bị bất ngờ đến tung não, vì không bao giờ bạn có thể đoán trước được phim định nói về cái gì, định làm những điều điên rồ và điên cuồng đến mức độ nào. Cứ khi nào bạn nghĩ là chẳng thể có cái gì điên rồ hơn thế này được nữa, cũng là lúc mà Doctor Who sẽ lại khiến bạn phải xem xét lại tiêu chuẩn điên rồ của mình lại lần nữa, và phim sẽ không ngừng khiến cho bạn có cái cảm giác đó qua mỗi tập phim mới. Những chuyện viễn tưởng trong Doctor Who nếu có gì có thể miêu tả thì chỉ có ngần này chữ: Mindfucking, mindblowing, mindboggling, brain explode, brain hack,…. Đại loại vậy, và bạn sẽ luôn trong tình trạng phải điều chỉnh bộ não của mình để có thể tiêu hóa hết những điều điên rồ, loằng ngoằng phức tạp vô cùng dã man của phim. Hoặc an toàn hơn, tốt nhất là bạn nên xem lại từ đầu show 1 lần nữa. Vì như mình đây, cho tới nay đã xem phim này lần thứ 3, và mình vẫn tiếp tục nhận ra hàng loạt những điều vô cùng kinh điển, vô cùng tuyệt vời nhưng tinh tế của show này mà 2 lần đầu tiên xem chưa nhận thấy.
Mình cho là đến tận đây, mình vẫn chưa miêu tả đủ và hết những thứ đỉnh, đẳng cấp, đã đời, kinh điển của Doctor Who series từ năm 2005 đến nay, nhưng khả năng ngôn ngữ chỉ đủ đến đây, và rất có thể trong tương lai không xa, khi mình đã xem được thêm nhiều, mình sẽ tiếp tục viết thêm những review mang tính bổ sung thế này nữa cho Doctor Who. Còn bây giờ, bạn còn chờ gì nữa mà chưa xem ngay đi?
One thought on “Review: Doctor Who (phần 2)”