Review: DC Animated Universe

(Hơi dài tí, mọi người chịu khó đọc) Batman: The Animated Series/ Superman: The Animated Series/ Batman Beyond/ Static Shock/ Justice League/ Justice League Unlimited (DC Animated Universe) – (1989 – 2007): 10/10
Đây chính là những TV Show hoạt hình đã thay đổi cuộc đời mình. Chính những show này là lý do khiến cho mình quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành họa sĩ, khiến cho mình đam mê phong cách

vẽ cartoon đơn giản, phóng khoáng, cách điệu, và cũng chính là lý do khiến mình nghiện ngập siêu nhân.Lần đầu tiên mình tiếp xúc với DCAU là khi mình xem Justice League lần đầu tiên trên Cartoon Network hồi mình còn học cấp 2. Lúc đấy mình mới chỉ biết lõm bõm về siêu nhân, Superman và thế giới truyện tranh Mỹ thông qua các phim Superman thời kỳ trước và Smallville. Nhưng với Justice League, lần đầu tiên mình biết đến việc trong thế giới của DC có cả 1 vũ trụ nơi có hàng trăm nhân vật khác nhau có liên kết với nhau và đều có những câu chuyện riêng của mình.

Hồi đấy internet còn là dial-up siêu chậm, thế nhưng mà mình vẫn hàng ngày tận dụng từng tí thời gian một để lên mạng tìm kiếm hình ảnh của Justice League và những phim liên quan, và đến khi mình tìm được thông tin về cái người đứng đằng sau tất cả thì thực sự cuộc đời mình thay đổi hoàn toàn – Bruce Timm.

Năm 1989, chính Bruce Timm là người đã làm ra Batman: The Animated Series – TV show hoạt hình đầu tiên dành riêng cho nhân vật Batman. Không chỉ thế, đây còn là TV Show hoạt hình đầu tiên có animation cực kỳ mượt mà, phong cách vẽ nghiêm túc, nội dung và hình ảnh đều cực kỳ đen tối, ám ảnh, phong cách phim đậm chất noir trinh thám Mỹ những năm 30 với bố cục ánh sáng, bóng tối cực kỳ chuẩn mực. Nhưng quan trọng nhất, chính Batman TAS là TV Show đầu tiên mang tới cho khán giả những cốt truyện nghiêm túc, sâu sắc, đen tối, đầy tính triết lý bên cạnh những màn hành động không kém gì phim live action ở thời bấy giờ. Các nhân vật trong Batman TAS đều được xây dựng cực kỳ kỹ lưỡng và sâu sắc, mỗi người đều có câu chuyện background riêng của mình đầy gai góc, nội tâm phức tạp, những mối quan hệ phức tạp, chồng chéo. Đặc biệt là các nhân vật phản diện đều được khắc họa cực kỳ đáng sợ, ghê rợn, kinh khủng, những băng đảng Mafia giết người như ngóe – một điều mang tính cách mạng trong hoạt hình dành cho truyền hình. Cộng thêm phong cách vẽ đặc trưng, đơn giản, khác lạ, nhưng cũng có phần nào đó “retro” do Bruce Timm đích thân thiết kế cho các nhân vật, 3 season đầu tiên của Batman TAS đã giành được không đếm xuể giải thưởng và những lời tán dương không bao giờ kết thúc từ các nhà chuyên môn cả về điện ảnh lẫn hoạt hình. Chính phong cách của Batman TAS là thứ đã gây ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến phong cách của rất nhiều những hậu duệ sau này cả về phong cách vẽ, phong cách kể chuyện, phong cách hành động, và cả cái sự “người lớn” nhất định dành cho một bộ phim hoạt hình.

Điểm nhấn của Batman TAS chính là 2 movie direct-to-video Mask of Phantasm và Subzero mà cho tới giờ vẫn còn được các nhà chuyên môn tán dương, ca ngợi vì đã mang đến sự thỏa mãn cả về hình ảnh lẫn nội dung.

Batman TAS lần đầu tiên xuất hiện trên kênh truyền hình của Fox, nhưng sau này bản quyền phát hành phim rơi vào tay Warner Bros và hãng đã bắt đầu cả một kỷ nguyên hoạt hình mà tới nay có thể nói là đã đi vào lịch sử của ngành hoạt hình. Với việc sản xuất Superman TAS vào năm 1996, Bruce Timm tiếp tục Batman TAS với tên khác là The New Batman Adventures, nhằm mục đích kết nối 2 show lại, khởi đầu cho cái mà các fan quen gọi là DC Animated Universe – một thế giới của các siêu anh hùng trên màn ảnh nhỏ. Cho đến thời điểm hiện tại, DCAU vẫn đóng 1 vai trò không thể thay thế trong lòng những người hâm mộ DC Comics và hoạt hình TV vì nó đã biến niềm mơ ước của họ thành sự thực: kiến tạo cái điều mà từ trước tới nay mới chỉ tồn tại trên trang giấy – một Universe hoạt hình kết nối các câu chuyện giữa các siêu anh hùng độc lập lại với nhau.

Superman và Batman lần đầu tiên gặp nhau trong một direct-to-video movie mang tên The Batman/Superman adventure, khi mà 2 anh hùng này phải cùng nhau hạ gục bộ đôi Joker và Lex Luthor. Trong phim này, 2 người cũng dễ dàng khám phá ra danh tính thật của nhau nhờ những khả năng mà trời phú cho họ. Phim này được coi là 1 phần của The New Batman Aventures.

Trở lại với The New Batman Aventures, đây được coi là season 4 của Batman TAS, nhưng để dễ dàng kết nối với Superman TAS, Bruce Timm đã thay đổi rất nhiều thứ. Đầu tiên là về thiết kế nhân vật, tất cả các nhân vật đều được giản lược đi rất nhiều so với 3 season trước đó, giảm bớt màu sắc, giảm bớt nét phụ, nhân vật được tạo hình chắc hơn, có nhiều góc cạnh hơn và linh hoạt hơn. Bối cảnh của TNBA là nhiều năm sau khi season 3 kết thúc, khi Batman sau nhiều năm chinh chiến đã trở nên gai góc hơn, đen tối hơn, đáng sợ hơn, Dick Grayson đã lớn và tách ra hoạt động riêng với tên mới là Nightwing, còn Tim Drake trở thành Robin tiếp theo. Cá nhân mình thích tạo hình của TNBA hơn vì nó đơn giản hơn, “slick” hơn (tại ko biết tìm từ nào khác trong tiếng Việt), sử dụng màu sắc giá trị hơn, chắt chiu và “đắt” hơn trên từng nhân vật. Ví dụ như Batman không còn nền màu vàng xung quanh logo dơi ở ngực, các vệt phản quang màu xanh trên người hoàn toàn bị loại bỏ, tất cả còn lại chỉ là tông màu xám/đen phản ánh sự thay đổi tính cách của nhân vật – đen tối hơn, đáng sợ hơn, ít cười hơn. Màu sắc tươi tắn duy nhất là cái thắt lưng, nay đã trở thành hàng loạt cái túi nhỏ, thay vì chỉ là mấy cái nút bé tí như các season trước. Batgirl nay đã có một bộ quần áo hoàn toàn màu đen thay vì toàn màu ghi, găng tay và giày đổi thành màu vàng chứ ko còn là màu xanh, khiến cho trang phục có 1 sự tương phản hoàn hảo về màu sắc. Robin được lược bỏ đi hoàn toàn màu xanh lá cây và thay vào đó là màu đen – theo mình đây là một sự thay đổi tuyệt vời và hợp lý vô cùng vì mình vẫn chưa hiểu xanh lá với đỏ hợp nhau chỗ nào.

Với TNBA, Bruce Timm giảm bớt các câu chuyện tập trung vào Batman mà khai thác nhiều hơn về các nhân vật xung quanh như Robin, Nightwing, Batgirl, Jim Gordon,…. Chính điều này càng khiến cho hình tượng Batman trong season này trở nên xa cách hơn, lạnh lùng hơn trước kia. Mặc dù có phong cách vẽ đơn giản hơn trước, nhưng phim vẫn giữ được cái tông đen tối, nghiêm túc, những câu chuyện có chiều sâu, và cả sự ám ảnh, nhức nhối, đáng sợ. Trong show này có 1 vài tập có sự xuất hiện của Superman nhằm mục đích gây dựng mối quan hệ giữa 2 nhân vật này. TNBA cũng có 1 direct-to-video movie là Mystery of the Batwoman nhưng không được chú ý nhiều lắm dù cũng được đánh giá cao.

Lại nói về Superman TAS, phim này mang một phong cách hoàn toàn đối lập với Batman, cả về nội dung lẫn phong cách. Tất nhiên, vì Superman là 1 nhân vật hoàn toàn đối lập với Batman. Tất cả những gì chúng ta thấy sẽ là những tông màu tươi sáng, lộng lẫy, những khung cảnh đẹp đẽ của thành phố Metropolis đầy màu sắc. Gần như sẽ không bao giờ có thể tìm thấy được màu đen trong show này. Được làm sau Batman TAS rất nhiều năm (1996), Superman có phong cách vẽ đơn giản hơn rất nhiều, nhưng cái sự nghiêm túc và tính triết lý trong các câu chuyện của show này thì chưa bao giờ mất đi. Phim đưa người xem từ những cuộc chiến với các đối thủ trên trái đất của Superman như Lex, Parasite, Metallo,… cho tới những đối thủ mang tầm vũ trụ có sức mạnh khủng khiếp như Dark Seid hay Brainiac. So với Batman TAS, Superman không có được nhiều cái “đầu tiên” vì trước kia Fleischer studios cũng đã từng làm 1 series Superman khá nghiêm túc, nhưng Superman TAS của Bruce Timm vẫn đạt được nhiều giải thưởng và những sự tán dương vì sự trung thành nhưng không bi lụy với tư tưởng chính của truyện tranh gốc. Nếu như Batman là câu chuyện về một con người có tâm hồn bị tổn thương do tuổi thơ gây ra thì Superman lại là những dằn vặt về sự lạc lõng của “Người con cuối cùng của Krypton”. Mặc dù cống hiến đời mình để bảo vệ Trái đất, nơi nuôi lớn mình, nhưng Clark vẫn là người ngoài hành tinh, vẫn băn khoăn, buồn khổ về nguồn gốc của mình.

Sau 2 series phim thành công như thế, Bruce Timm tiếp tục mở rộng DCAU bằng Static Shock và Batman Beyond, nhưng 2 show này không đạt được những điều đã khiến Batman và Superman trở thành biểu tượng của thời đại. Chỉ có Batman Beyond vẫn có nhiều điểm nhấn khiến cho giới chuyên môn đánh giá cao. Điều khiến Batman Beyond có giá trị nhất có lẽ chính là Direct-to-video movie Return of the Joker được đánh giá rất cao về mặt nội dung cả bởi giới chuyên môn và khán giả.

Batman Beyond kể câu chuyện về khoảng 30 năm sau thời kỳ của TNBA, khi đó Bruce Wayne đã quá già, phải chống chọi với bệnh tim một mình trong căn nhà rộng lớn cùng 1 chú chó đen tên Ace. Một sự tình cờ đã dẫn dắt chàng trai 17 tuổi Terry Mcginnis tìm ra Batcave và sau này được Bruce tuyển về và mặc lên mình bộ áo Batman công nghệ cao mới, từ đây ta có 1 mối quan hệ nửa như Alfred với Bruce trước kia, nửa như Bruce với những trợ thủ trẻ tuổi của mình trước kia. Bất chấp những ngăn cản và cảnh báo từ phía Barbara Gordon/Batgirl – nay đã là cảnh sát trưởng của Gotham – Terry dần dần đã chứng tỏ rằng mình là người thay thế tuyệt vời cho Bruce Wayne với trọng trách này. Batman Beyond cũng lần đầu tiên đưa người xem đến với khái niệm “Justice League”, khi giới thiệu nhóm Justice League tương lai do Superman/Clark Kent đứng đầu trong 1 vài tập phim cuối season 2. Và có lẽ chính từ đây, ý tưởng về việc làm 1 TV Show về Justice League đã xuất hiện trong đầu Bruce Timm.

Và ước mơ của người hâm mộ thế giới đã thành hiện thực khi Justice League lên sóng vào năm 2001.

Justice League, sau này đổi tên thành Justice League Unlimited kéo dài trong 5 season từ 2001 đến 2006, mở rộng DCAU ra rất nhiều với việc tập hợp vào vô kể nhiều những nhân vật anh hùng của DC Comics và đưa họ cùng chiến đấu cùng nhau trong 1 thế giới duy nhất. Bối cảnh của phim diễn ra sau thời kỳ của TNBA khoảng trên dưới 10 năm, Batman và Superman đã chiến đấu cùng nhau trong 1 thời gian khá dài và trở nên khá thân thiết trong công việc này. Phim giới thiệu 1 dàn nhân vật chính gồm Batman/Bruce Wayne, Superman/Clark Kent, Wonder Woman/Diana, Hawk Girl/Shayera Hol, Green Lantern/John Stewart, Flash/Wally West và Martian Manhunter/J’onn J’onzz. Justice League sử dụng một format khác hẳn so với các show trước kia, đó là mỗi câu chuyện sẽ kéo dài trong khoảng 2 tập hoặc 3 tập, khiến cho mức độ nghiêm trọng trong cốt truyện của phim được tăng lên rất nhiều. Các thành viên của Justice League thường xuyên phải đối mặt với những mối đe dọa kinh khủng hơn, nguy hiểm hơn, đáng sợ hơn, và buộc lòng họ phải phối hợp chiến đấu cùng nhau thì mới có thể chiến thắng. Một sự thay đổi trong phong cách của cốt truyện chính là ở chỗ các câu chuyện thường có nội dung phức tạp hơn, nhiều lớp lang chồng chéo hơn, và thường có quy mô lớn hơn. Các cảnh hành động cũng phong phú hơn trước, mạnh mẽ hơn, nhanh và dứt khoát hơn. Sự thay đổi này 1 phần là do tư duy viết truyện của thế kỷ 21 đã thay đổi hơn rất nhiều so với năm 1989, phần nữa là do công nghệ làm hoạt hình với sự hỗ trợ của máy tính đã phát triển hơn rất nhiều. Nhưng cái quan trọng nhất về mặt nội dung của JL chính là ở chỗ, việc xử lý một câu chuyện gồm 7 nhân vật chính chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất cứ ai – điều này cũng chính là thử thách mà Joss Whedon đối mặt khi xử lý với Avengers hè vừa qua. Nhưng Bruce Timm và các đồng sự đã quá thành công trong việc khiến cho tất cả các nhân vật từ chính đến thứ chính có những giây phút tỏa sáng của riêng mình, đều chứng tỏ được giá trị không thể thiếu của từng cá nhân trong công việc của tập thể, và điều này đặc biệt xuất sắc khi sang đến Justice League Unlimited.

Season 1 kết thúc với đầy những rối ren, phức tạp, mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các nhân vật, và nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả cũng như các nhà phê bình, và 1 lần nữa, hào quang của Batman TAS đã trở lại với Bruce Timm. Hàng loạt giải thưởng danh giá dành cho JL đã khiến cho season 2 là một điều đương nhiên. Và với season 2, Bruce Timm và các đồng sự dường như được chắp thêm cánh, thừa thắng xông lên với một công thức đột phá hơn nhiều trong việc kể chuyện. Mình không dám chắc là có đúng không, nhưng rất có thể JL là TV Show hoạt hình đầu tiên áp dụng công thức nội dung của tập nọ liên quan đến tập kia và tất cả đều nằm trong 1 câu chuyện lớn được giải quyết ở cuối season. Và thực sự là JL đã thực hiện quá tuyệt vời công thức này song song với format 2 tập 1 chuyện lẻ. Song song với những tập lẻ có nội dung cực kỳ hấp dẫn, hồi hộp, kịch bản thông minh, thú vị, chính là những manh mối tinh tế, những gợi ý rất tế nhị rải rác khắp season để dẫn dắt tới những nút thắt đầy bất ngờ cho tới tận những phút cuối. Công thức này còn được áp dụng hiệu quả hơn rất nhiều khi chuyển qua Justice League Unlimited khi JL được gia tăng quân số lên đến hàng trăm. JLU tập trung nhiều hơn vào những nhân vật bên lề thay vì 7 nhân vật chính ban đầu, nhưng móc nối một cách nghệ thuật vào những câu chuyện chính liên quan tới 7 nhân chính và dẫn dắt dần tới những kết cục không ngờ. Một thứ khiến cho JL/JLU càng trở nên tuyệt vời với các fan chính là việc nó móc nối tuyệt vời vào những Show trước đây, đặc biệt là Batman Beyond, và chính điều này khiến cho giá trị của DCAU càng được đẩy lên một mức độ cao hơn. JL/JLU không chỉ có kịch bản cực kỳ thông minh, dí dỏm, thú vị, nghiêm trọng, nhiều chiều sâu, tầng lớp, mà còn có cả những giây phút đưa khán giả về với những thời kỳ đầu của truyện tranh với những nhân vật và câu chuyện mang tính thời đại.

Khi season 5 của JL/JLU khép lại cũng là khi DCAU khép lại sau gần 20 năm tồn tại trên sóng truyền hình, song hành với tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ từ trẻ đến già trên khắp thế giới, thành công tuyệt đối trong việc xây dựng cả 1 vũ trụ rộng lớn bằng chất liệu hoạt hình. Cho tới bây giờ DCAU, gắn liền với cái tên Bruce Timm, đã có thể được coi là 1 tượng đài, một biểu tượng không thể bị lật đổ và sẽ đi vào lịch sử. Từ đó đến nay, mặc dù đã có rất nhiều những TV Show khác cũng do Bruce Timm làm producer, và cả các direct-to-video movie, nhưng với cá nhân mình, vẫn chưa có gì có thể so sánh được cái sự vĩ đại của DCAU và phong cách vẽ đơn giản nhưng vẫn nghiêm túc của Bruce Timm. Đối với người Mỹ nói riêng và những người yêu thích super heroes nói chung, thì DCAU chính là 1 trong số những biểu tượng văn hóa quan trọng của nước Mỹ, và nếu như bạn đã là illustrator hoặc animator có thiên hướng làm về super heroes, thì đương nhiên các phim trong DCAU là thứ phải có trong bộ sưu tập.

3 thoughts on “Review: DC Animated Universe

    1. 2 tập cuối season 1 lúc phải lẩn trốn sự truy tìm của người Tharnagar, các thành viên JL phải tiết lộ danh tính cho nhau trong 1 cửa hàng quần áo, ở đây Flash đã nhận tên là Wally West và có tóc đỏ. Bạn có thể xem lại.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s