500 Days of Summer – Yêu là khổ

(500) Days of Summer (500 ngày yêu) là một bộ phim không đơn giản để diễn giải ra thành lời những cảm xúc sau khi xem phim, vì vốn bản chất nó, đã không phải là một bộ phim tầm thường với cách suy nghĩ tầm thường.

Và có lẽ đây sẽ là bộ phim đầu tiên mà mình phải vừa xem lại vừa viết review.

(Review mang nặng tính phân tích và cảm xúc cá nhân, nếu bạn ko thích bị spoil trước khi xem phim, đề nghị không đọc tiếp)

Phim này đối với mình chính là minh chứng hùng hồn nhất cho hiệu quả âm nhạc trong điện ảnh, vì ngay sau khi xem xong phim ở rạp, chạy về nhà và download cả album soundtrack của phim về, mình đã không thể ngừng nghe đi nghe lại cái album đấy cho đến tận bây giờ.

Đó là những ca khúc cho mình cái cảm giác nhẹ nhàng, giản dị, gần gũi, không cầu kỳ, không glamorous, giai điệu độc đáo, cá tính. Mình không hiểu về phân loại các thể loại nhạc lắm, nhưng với một thằng vốn chỉ mê nghe rock như mình thì những ca khúc có phong cách thế này cho mình những ấn tượng khó tả và khó mà dứt ra được.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là những bài hát này được đưa vào phim một cách vô tội vạ chỉ vì nó hay, đó còn bởi vì phong cách của tất cả các ca khúc này là sự mô tả chuẩn xác nhất cho phong cách của phim, một phong cách tưng tưng cá tính, kỳ cục mà quyến rũ.

Đối với mình thì cái sự cá tính đó của phim nó tới từ tất cả mọi thứ. Từ các tình huống trong phim, tính cách của các nhân vật chính, khuôn mặt của các nhân vật chính, cách tiếp cận các tình huống, bố cục và xử lý các vấn đề trong phim, nhạc phim… Tất tần tật, nếu bạn không hợp với cái phong cách tinh quái này thì sẽ thấy nó thật lập dị và có khi còn khó chịu.

Chính vì thế, các bài hát được đưa vào trong các tình huống hết sức hợp lý, sáng tạo và đa dạng, trở thành một phần quan trọng bổ sung cho cảm xúc và cảm giác của người xem phim. Cụ thể hơn đó là những tình huống như lúc Tom đấm tay xuống sàn và tự nhiên tạo thành nhịp trống cho bài hát chuẩn bị vào luôn.

Cái thứ 2 khiến mình thích mê phim này, chính là diễn xuất của 2 diễn viên chính, đặc biệt là Zooey Deschannel – vai  Summer. Cái ấn tượng về diễn xuất ở đây không phải là “tài tình, giàu cảm xúc, nghệ thuật”…. hay gì gì đó nặng về vấn đề điện ảnh, mà đó là cái cảm giác “thật” trong từng câu thoại, từng cảm xúc, từng cử chỉ của nhân vật. Diễn xuất ở đây của cả 2 diễn viên, khiến cho mình cảm thấy như họ không phải đang diễn, không phải đang đóng phim, mà đó chính là họ. Đó chính là cảm xúc thật của họ, phản ứng thật của họ cho các tình huống, là cử chỉ, thói quen, tính cách của chính họ, chứ không phải diễn theo bất cứ một kịch bản nào. Và như đã nói, đặc biệt là diễn xuất của Summer. Mỗi nụ cười, cử chỉ mím môi, cắn môi, lời thoại của nhân vật này hết sức tự nhiên, cùng 1 vẻ đẹp giản dị nhẹ nhàng không bóng bẩy, khoa trương, thực sự khiến cho mình “tin” vào nhân vật, “tin” rằng ngoài đời, con người họ chính là như vậy chứ không hề giả tạo chút nào. Đây là điều mà mình rất ít thấy hoặc khó thấy ở các phim khác và các diễn viên nổi tiếng khác. (trong năm nay còn có phim Yes Man cũng do Zooey đóng vai nữ chính) Và nó là một yếu tố quan trọng tạo nên cái sự thích phát điên của mình với phim này.

Quay lại với phong cách đậm cá tính của cả đao diễn, diễn viên, lẫn âm thanh. Đó chính là cái cách bố cục các tình huống trong phim không theo bất cứ một thứ tự cụ thể nào, cách phim thể hiện những tình huống đặc biệt cho những cảm xúc đặc biệt. Bộ phim không đơn giản như một cuốn nhật ký ghi lại từng ngày của anh chàng Tom Hansen, mà theo mình, nó giống y hệt như những gì xảy ra bên trong trái tim / tâm hồn của một người đàn ông đang yêu say đắm một người con gái, với biết bao nhiêu những hạnh phúc và đau khổ, những kỳ vọng và thất vọng. Tất cả đều như được cố tình dựng nên để mô tả một cách chính xác nhất sự phức tạp của tình yêu, và đặc biệt là sự phức tạp trong suy nghĩ của phụ nữ. Unpredictable.

Các tình huống trong phim dù không được sắp xếp theo bất cứ thứ tự nào, nhưng không có nghĩa là chúng bị phân bổ một cách vô tội vạ mà không có chủ đích. Chính nhờ cái sự lung tung ấy của từng ngày trong cái chuỗi 500 ngày đấy mà khán giả được cảm nhận sự tương phản, sự đối nghịch của mối quan hệ giữa Summer và Tom trong những ngày đầu tiên tiếp xúc với nhau còn ngại ngùng cho tới những ngày họ bắt đầu rạn nứt. Đỉnh điểm của thủ pháp độc đáo này chính là cảnh Tom bước vào thang máy trong tâm trạng lâng lâng hạnh phúc sau đêm đầu tiên với nàng, và khi thang máy dừng lại, thì đó lại là khuôn mặt thểu não cực kỳ trong ngày đầu tiên mà những trục trặc đã bắt đầu.

Cũng chính nhờ cái cách thể hiện độc đáo này, người xem có thể cảm thấy bộ phim chính như chuỗi cảm xúc của Tom, nhớ lại từng ngày yêu và ở bên Summer trong suốt 500 ngày trước đó. Và những kỷ niệm cả đẹp cả xấu về một mối quan hệ khi trôi qua trong đầu của một người thường chẳng bao giờ theo thứ tự nào, mà luôn đan xen nhau. Cứ khi một kỷ niệm hạnh phúc hiện về thì cũng là lúc kỷ niệm đó dẫn tới một ngày khác chẳng vui vẻ gì. Và, chính vì nó là một chuỗi kỷ niệm và cảm xúc mà Tom đang hồi tưởng, nên đi cùng nó không chỉ đơn giản là những kỷ niệm. Đó còn là cả những tưởng tượng, những mong muốn của anh, được đặt cạnh và so sánh với những sự kiện thực sự xảy ra vào cái ngày anh gặp lại Summer và được mời đến nhà nàng dự tiệc. Đó còn là những gì anh cảm thấy khi nhìn qua lăng kính tình yêu (tôi yêu nụ cười cô ấy, yêu cái bớt hình con bướm, yêu đầu gối, yêu cách liếm môi trước khi nói…) và cùng ngần ấy thứ khi trôi qua lăng kính của một anh chàng thất tình tới độ đập bát đập đĩa thì lại chẳng còn ra thể thống gì.

Nếu để ý ở ngay đoạn đầu tiên khi cô em gái được triệu tập đến nhà anh này để giúp anh giải quyết chuyện tình xoắn quẩy của mình bằng vodka, thì hàng loạt hình ảnh chắp vá được hiện ra sau câu nói: “Mọi việc đang ngon…”. Khi ấy khán giả rõ ràng được xem hàng loạt những hình ảnh mà chỉ cần xem qua cũng đủ cảm thấy, chà, đôi này hạnh phúc tè le nha. Ấy nhưng khi đã xem hết phim, thì ta mới thấy hết sự thật. Đó không chỉ là những hình ảnh khi 2 anh chị hạnh phúc bên nhau, mà còn là những giây phút khi tình cảm bắt đầu rạn nứt. Những hình ảnh đó hiện lên cho người xem như thể là à đấy, anh này vừa mới nhớ lại một đống các sự kiện chắp vá mà không phải tất cả đều là chuyện vui vẻ gì trong cái chuỗi ngày say đắm cô gái của mình, chứ không đơn thuần chỉ là minh họa cho có cho từng câu trả lời của anh với cô em mình và 2 thằng bạn.

Không hiểu sao nhưng thường thì một bộ phim tình cảm hài, bao giờ nếu nhân vật chính là nam, thì y như rằng sẽ có 2 thằng bạn luôn ở bên cạnh để quân sư quạt mo, kích động chiến tranh hoặc đưa ra những lời khuyên có cánh mà kết quả thường là chẳng đưa nv chính của chúng ta đi đến đâu. Cộng thêm 1 cô em siêu tâm lý thuộc lòng mọi hành động của ông anh và luôn sẵn sàng phương án xử lý mỗi khi ông anh mình thất tình. Nhưng những nhân vật này không đứng ngoài lề trong quan hệ của 2 nv chính. Họ thậm chí còn được phỏng vấn về quan điểm riêng của mình về vấn đề tình cảm, về vấn đề riêng của họ trong tình cảm, và so sánh những gì họ nói với nhau, với cả Tom Hansen luôn. 2 thằng đực rựa chưa từng có bạn gái thì không ngừng chém gió, một thằng đang thất tình thì lơ nga lơ ngơ chẳng biết nói gì, và một ông trung niên hạnh phúc với gia đình của mình. Cái màn phỏng vấn này tự nhiên làm cho mình cảm nhận được phần nào rõ hơn cái cảm giác của Tom Hansen. Như đang lơ lửng giữa không trung, bay vô định mà chẳng biết vấn đề của mình đang ở đâu, đang như thế nào chứ không rõ ràng như 3 người đàn ông kia. Chính xác hơn, đó là vấn đề của người đàn ông đang yêu kinh khủng, nhưng chẳng làm cách nào để biết người mình yêu có yêu mình không, khi mà thi thoảng cô nàng lại hô lên “Chúng mình là bạn thân nhất” (dù đã làm đủ thứ chuyện với nhau, và nàng thì đối xử với chàng đặc biệt hơn bất cứ thằng đàn ông nào trong đời)

This is not a love story, this is a story of boy meets girl. Chính thế, đây chỉ là tóm tắt lại 500 ngày mê sảng về cô nàng Summer của anh chàng Tom Hansen lầm tưởng rằng đó là tình yêu của đời mình, còn cô nàng Summer thì ngộ được ra chân lý về tình yêu thật sự sau mối quan hệ với chàng. Cả hai người, theo một cách nào đó, khi đến với nhau, là đã mở ra trong nhau một cuộc đời mới, khi họ chạm tay nhau lần cuối cũng là lúc họ giở trang tiếp theo của cuốn lịch, ngày thứ nhất của một chuỗi ngày mới, nơi họ không còn nhau, nhưng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và thậm chí là cả dũng cảm hơn, hiểu được chính mình hơn. Nhờ thế, biết đâu đấy, Tom Hansen lại sẽ yêu và cưới nàng Autumn một ngày nào đó và mời Summer tới dự thì sao? Chẳng ai nói trước được, that’s how love is.

Cá nhân mình chấm phim 4,5/5 – 9,5/10

Muốn viết review dài hơn, nhưng thôi, để “cảm” được cái hay của một bộ phim, bạn phải tự xem và “cảm” nó 🙂

25 thoughts on “500 Days of Summer – Yêu là khổ

  1. em thích bố cục của phim, tất cả những phim nào có bố cục tương tự nhu này em đều thích, cảm giác lạ lạ

  2. Chưa chắc đã dừng ở nàng Autumn đâu, còn nàng Winter với nàng Spring nữa mà

    Thực ra phim này muốn kết luận 1 câu về tụi con gái: BITCH!!! Rất thích vì rất hợp quan điểm với mình :))
    Phim sến, nhưng độc đáo :))

    1. bác này con trẻ mà đã suy nghĩ cao xa :)) con gái đâu phải ai cũng như cô này đâu mà bác lo :))

  3. Đây là bộ phim hay nhất 2009 của mình, nó gần với mức hoàn hảo mà mình có thể cho 1 bộ phim. 500 days đem tới một cảm xúc vô cùng kỳ lạ về tình yêu, và càng kỳ lạ hơn khi câu chuyện đó có thể xảy ra với bất cứ ai, có nghĩa là, “nó lạ vì nó rất bình thường”. Và đây là bộ phim tình cảm đầu tiên từ trước tới nay chia sẻ một góc cạnh cực nhạy bén như vầy.

    @KAL: Autumn cũng chỉ là 1 bitch khác đối với anh này thôi, yêu nhiều để tăng kinh nghiệm 🙂

    1. Cũng là phim hay nhất 2009 với mình luôn :). Quan trọng là cái cách mà phim tiếp cận vấn đề hết sức tinh tế và cá tính, không giống ai, độc đáo mà quyến rũ vô cùng 🙂

  4. Chất nhạc indie trong phim này rất hay, không bàn cãi. 2 thằng bạn trời đánh của Tom có vẻ hơi sexist nhưng trong cái đoạn phỏng vấn về tình yêu lại có 1 câu quá hay và trở thành 1 trong những motto của phim luôn “chẳng có cô gái trong mộng nào tốt hơn Robyn của tui, vì Robyn là có thật trên đời” 🙂

  5. Phim này hoàn hảo nhưng chỉ có ndung thì ko hoàn hảo ở chỗ tớ ko thik kiểu yêu của cô này, chỉ ở bên lúc thằng này vui còn lúc nó buồn thì lại yêu ng khác

    1. như chính H đã nói, nếu ko yêu nhau thì ngay từ đầu đừng nhận làm ng yêu làm j, trong khi cô này thậm chí còn ngủ cùng, mình mà là thằng đấy thì mình ko đỡ đc

        1. khi xem phim thì qua con mắt của tớ, đã gắn bó với nhau như thế rồi thì tớ thấy qhệ của 2 ng là ny rồi. Nếu ko yêu thì sao lại dành thời gian gắn bó với nhau, đi chơi với nhau, rồi have sex với nhau, đến thế mà còn bảo ko phải ny thì cô này chỉ lợi dụng thằng này để have fun cái quãng thời gian chưa có ny thôi.
          Thêm nữa, ko thik nvật này ở chỗ lúc trước còn kể là ny trước của cô ý thậm chí chả yêu thương j mấy mà chỉ toàn sex -> tớ khá ác cảm với nhân vật nữ chính ở phim này -> chỉ ko thik phim này vì một phần của nội dung mà thôi

  6. Nhiều người sau khi xem phim xong đều không thích nhân vật nữ chính.
    Nhưng có thật là cô ấy thuộc dạng “chỉ ở bên lúc thằng này vui còn lúc nó buồn thì lại yêu ng khác” không?!!
    Cá nhân mình thì lại thích nhân vật này nhất, từ đầu đến cuối cô ấy sống một cách đầy bản năng, và hoàn toàn tự chủ. Bộ phim được kể lại có hơi hướm thiên về góc nhìn từ nhân vật nam chính, nên cái mạch phim cũng khiến người xem bị cuốn theo.
    Thực tế, ngày từ đầu Summer đã nhìn nhận rõ được vấn đề, và cũng đã nói trước với Tom rồi, chỉ có Tom là người sống trong ảo tưởng về một perfect love cho đến giây phút cuối.
    “-Can I ask you a question? -Yeah
    -She never cheated on you? -No, never.
    -She ever take advantage of you in any way? No.
    -And she told you up front that she didn’t want a boyfriend? Yeah.”
    Đây là đoạn đối thoại giữa Tom và Vicky-cô gái mà hai chàng bạn thân giới thiệu cho.

    “-Hey, Tom? Mmm.
    -Look, I know you think that she was the one, but I don’t.
    Now, I think you’re just remembering the good stuffs.
    Next time you look back, I really think you should look again.”

    Và đây là đoạn đối thoại với cô em họ.
    Đây chính là hai chiếc chìa khóa mở ra vấn đề của Tom, là Thực tế, là Sự thật.
    Chuyện tình này cũng như bao chuyện tình khác, khởi đầu bằng hạnh phúc và kết thúc bằng những mối bất hòa. Và nhân vật nữ chính đã làm tròn vai!

  7. với ý kiến cá nhân của mình thì mình ko thích cô này vì đơn giản cô ấy đã ngủ với thằng này mà rồi lại nói rằng từ đầu đến cuối ko có tý nghiêm túc nào. có thể văn hóa phương tây cho phép ngta dù đã ngủ với nhau vẫn có thể nói rằng ko yêu nhau , đơn giản là cách nhìn sự việc khác nhau do văn hóa, nếu xét dưới con mắt ng Mỹ thì đúng là chuyện đấy ko thành vấn đề, nhưng P ko thích khi thấy cô này đối xử như vậy với ng đã ngủ với mình => quan điểm cá nhân là ko thích kiểu yêu đó chứ ko phê phán rằng cô này sai trái j cả

      1. uh, đồng ý với quan điểm của các bạn. nếu nhìn khách quan trên khía cạnh văn hóa Mỹ thì cô này giống những người Mỹ khác, yêu và sex là 2 vđề không có ràng buộc với nhau.
        Chính vì ở Mỹ ngta sống thoải mái ko quan trọng việc đã ngủ với nhau chưa cho nên tỉ lệ ly hôn ở Mỹ cao hơn ở các nước phương Đông nhiều nhiều nhiều lần như vậy 🙂

  8. Vậy chứng tỏ quan niệm của mình bị ảnh hưởng bới văn hóa phương Tây rồi :)). Sex is zero.

Leave a reply to luyengoctuan Cancel reply