Sau bao ngày mong chờ mòn mỏi, cuối cùng mình cũng được xem Up với giá 55k/ 2 vé nhờ có coupon giảm giá, cộng thêm giá vé 55k trong ngày thứ 4, cộng thêm 1 cốc Coca miễn phí. Vui từ khi mua vé, vui cả trong lúc chờ tới giờ xem phim, vui cả khi mua hotdog và Coca trước khi vào rạp, và vui cả khi đèn bắt đầu tắt. Một sự khởi đầu hoàn hảo cho một chuyến phiêu lưu hoàn hảo.
Trước tiên mình phải nói quan điểm của mình về một bộ phim thế nào là hay. Ấy là một bộ phim vừa thoả mãn được nhu cầu giải trí của khán giả, mà vẫn để lại trong lòng họ những cảm xúc và ấn tựơng sâu đậm khó quên nổi sau khi ra khỏi rạp. Điều đó tương tự với một bộ phim hài. Không phải cứ phim hài tức là chỉ cần pha trò cười cho xả láng xong là xong đi ra khỏi rạp, ấy là một phim hài dở, và những tràng cười của khán giả khi xem phim là những tràng cười nông cạn. Một phim hài hay phải không chỉ lấy được tiếng cười của khán giả, mà còn khiến cho họ suy ngẫm sâu lắng chính về những gì mà họ vừa mới cười xong, và họ phải cảm thụ bằng cả trái tim và khối óc, bằng cảm xúc của chính mình cho tới tận khi đã ra khỏi rạp, lấy xe, đi về. Đấy mới là một phim hài thành công. Và điều này không phải dễ và ko phải phim hài nào cũng làm được.
Một điều nữa, nếu có ai quan tâm thì chắc ít thấy tớ viết review về phim hoạt hình, đặc biệt là phim hoạt hình Pixar. Không phải vì tớ không thích phim hoạt hình, cũng không phải vì tớ không muốn viết, mà đơn giản là vì tớ không thể viết. Với những phim không phải do Pixar sản xuất, tớ không thấy xứng đáng để phải viết review, và cũng vì tớ không có nhiều thời gian tới vậy mà ngồi viết. Nhưng với những phim Pixar, thì đấy là vì tớ không biết phải viết thế nào để miêu tả trọn vẹn những cảm xúc của tớ khi xem phim, những trải nghiệm, những suy ngẫm mà phim Pixar cho tớ được cảm thấy thực sự quá khó để có thể diễn tả thành lời. Và vì thế, phim hoạt hình của Pixar nói riêng và Disney nói chung, chính là những phim mà tớ yêu thích nhất trong suốt cả 20 năm cuộc đời, và đó chính là nơi mà tớ muốn đến, và làm việc. Đó là một phần thể hiện cho cách sống có chiều sâu, có giá trị, và Up chính là một tác phẩm khiến bạn nhận ra sự quan trọng của cách sống ấy.
(Chưa kể, tớ còn đang tiếp tục học tập và làm việc để mong trở thành một hoạ sĩ hoạt hình 2D nữa đây 🙂 )
(Review này có thể sẽ spoil rất nhiều và lần này tớ ko khuyến khích mọi người đọc trước khi xem phim, vì review này tớ vốn muốn viết cho những ai đã xem phim)
Nhìn toàn cảnh bộ phim, thì mình có thể nói rằng, đây là bộ phim hoạt hình hay nhất (đối với cá nhân mình) từ trước tới giờ, và cũng là bộ phim Pixar thứ 2 đã lấy được cả nước mắt lẫn tiếng cười của mình (thứ 1 là Ratatouille), và cả 2 thứ đó thực sự hết sức giá trị đối với mình, và ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách sống, mục đích sống của mình, vì nó không chỉ có một lớp ý nghĩa.
Với mình, chẳng còn gì tuyệt vời hơn cái ý tưởng mà chỉ có trẻ thơ mới có thể nghĩ ra: Buộc hàng nghìn quả bóng và làm ngôi nhà của mình bay lên trời xanh, du ngoạn thế giới, cái ý tưởng mang tính chất cực kỳ biểu tượng cho những giấc mơ bay bổng nhất, thần kỳ và cổ tích nhất của một đứa trẻ thơ, tất cả đều nhờ những quả bóng bay đủ màu. Và Pixar đã biến cái ý tưởng đó thành sự thật, đã biến những giấc mơ tưởng như là mơ hồ và tưởng như đã tan biến từ lâu trong mỗi con người chúng ta, hiện ra thành hình ảnh rực rỡ, xúc động và sâu lắng. Khi ngôi nhà của ông lão Carl bay lên trời, dang 2 cái rèm thay cho 2 cái cánh chỉnh hướng và lượn vài vòng vào đám mây trắng muốt xuyên thẳng vào bầu trời xanh ngắt với những màu sắc rực rỡ phía trên, tớ có cảm giác như chẳng còn gì ở trên đời này là không thể, dường như trong cái khoảnh khắc đó, mọi ước mơ trên cuộc đời này đều đã thành hiện thực, và cho tớ một cảm giác như chưa bao giờ thoả mãn với cuộc đời của mình hơn thế.
Nói sơ qua về đoạn đầu phim, tớ sẽ không nói nhiều về 10 phút đầu tiên tóm tắt cuộc đời của Carl đầy cảm động nữa, vì nhiều người đã nói rồi. Nhưng với những khoảnh khắc đầu tiên, từ khi Carl ra khỏi rạp chiếu phim và chạy về tới ngôi nhà của Ellie, Pixar đã khẳng định lập tức với khán giả một thông điệp rằng, sẽ chẳng có gì trong phim này không mang thông điệp của riêng mình, mà biểu tượng đầu tiên của nó chính là quả bóng bay của Carl, và hình ảnh vị anh hùng thần tượng mà cả 2 người cùng ngưỡng mộ từ thời thơ ấu.
10 phút đầu tiên của phim, thực sự đã lấy được nước mắt của cả những khán giả khó rớt nước mắt như tớ. Có thể đấy, có thể là họ chưa có được một đứa con của riêng mình, nhưng trên thực tế, chính ước mơ tới Thác Thiên Đường của họ chính là đứa con quý giá nhất cuộc đời họ, một đứa con của tinh thần mà nhờ nó họ không bao giờ rời bỏ niềm tin vào cuộc sống, nhờ đó họ từng bước cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, luôn bên nhau. Đấy chính là ý nghĩa ẩn dụ cho cái hũ đựng tiền lẻ tiết kiệm của họ mỗi lần bị đập tan, giống như họ phải cắn răng cầm cái búa đập tan chính ước mơ của mình để tiếp tục cuộc sống trước mắt, nhưng thật ra cũng chính nhờ hũ tiền mà họ đã vượt qua không biết bao gai góc của cuộc đời, liệu còn hình ảnh nào phù hợp với “người con” hơn thế hay chăng?
Nhưng cái mà đoạn phim lấy được nước mắt của tớ, cá nhân tớ, chưa hẳn là những chi tiết đó, mà lại là cái nhìn của Pixar về cuộc đời của một con người, với những ước mơ từ thuở thơ ấu, trôi qua thật nhanh, chóng vánh, và tưởng như không bao giờ có thể thực hiện được những ước mơ tưởng như rất “trẻ con” và “hoang đường” ấy. Cuộc đời thật ngắn ngủi, vậy tại sao không sống hết mình ngay từ bây giờ, tại sao không dành bất cứ lúc rỗi rãi nào của mình để hiện thực hoá những ước mơ đó, tại sao không cứ mơ ước đi, tại sao không thả tâm hồn mình luôn bay bổng đi, để rồi một ngày biết đâu, ngay lúc ta không để ý tới nó nhất, nó sẽ đưa ta lên bầu trời xanh, như những quả bóng bay kia thì sao?
Suốt cả cuộc hành trình, Carl cứ đinh ninh rằng ngôi nhà chính là linh hồn của Ellie, nghĩ rằng Ellie chết đi thì sẽ bám trụ ở ngôi nhà đó để chờ ngày Carl đưa ngôi nhà lên đỉnh Paradise Fall. Nhưng thật ra Carl đã nhầm. Ellie vẫn luôn ở bên Carl, nhưng không phải là ngôi nhà. Thật tình cờ, đó chính là anh bạn nhỏ Russell nghịch ngợm và ngốc nghếch. Có điều gì chung ở 2 nhân vật này mà lại gán cho Russell chuyện đó. Nếu bạn để ý, Ellie vốn là một người nói rất nhiều, còn Carl thì lại ít nói, và đấy chính là quan hệ giữa Carl và cậu bé Russell. Và có một điều Carl đã hiểu sai về Ellie.
Là cuốn sổ My Adventures Book mà Ellie để lại. Trang giấy Stuffs I’m Gonna Do chính là chìa khoá gợi ý cho những gì mà cả cuộc đời Ellie luôn mong ước. Đó chính là những cuộc phiêu lưu không có điểm dừng, những cuộc phiêu lưu liên tục tới bất cứ nơi đâu, đối mặt với bất cứ thử thách thế nào. Ngay từ khi còn nhỏ và đam mê thần tượng Charles Muntz, điều đó đã thể hiện rất rõ, ước mơ của Ellie không phải chính xác là cái Thác Thiên Đường đó, mà chính là cuộc phiêu lưu kỳ diệu để tới được đó. Trang giấy đó nói rằng, những cuộc phiêu lưu mà Ellie mong ước, không có điểm dừng, luôn luôn sẽ có những Stuffs I’m Gonna Do, chứ không bao giờ có trang cuối cùng. Đó là lý do vì sao Ellie để trống 1 trang ngay trước trang đó để Carl lồng tờ giấy vẽ hình Paradise Fall vào, và lồng những tháng ngày hạnh phúc bên nhau của họ vào các trang sau đó, để Carl biết rằng, những tháng ngày đó, cũng là những tháng ngày phiêu lưu kỳ thú tuyệt vời của cuộc đời bà, và chúng xứng đáng được nằm trong cuốn sổ My Adventures Book của “họ”.
Đó chính là lý do tại sao Russell chính là Ellie, và luôn ở bên cạnh Carl suốt cả cuộc hành trình mà mãi gần cuối phim, khi yên vị trên chiếc ghế bành của mình, ông mới nhận ra. Vì cậu bé đó có một niềm đam mê phiêu lưu, khám phá, thám hiểm thế giới hoang dã kỳ bí luôn cháy bỏng trong tim, vì cậu bé không lúc nào cho cái miệng kịp nghỉ, vì cậu bé đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc phiêu lưu như vậy để có được số huy hiệu dán kín dải băng của mình, vì cậu bé đó đã giúp ông già cáu bẳn nhận ra ý nghĩa thật sự trong tình yêu của đời mình với Ellie. Đó là những chuyến đi kỳ thú, chứ không phải cái đích (Thác Thiên đường).
Hình ảnh cậu bé ở cuối phim khi đứng trên bục nhận danh hiệu Senior Explorer cũng thể hiện rất rõ. Khuôn mặt đầy nhọ bụi bặm, đầu tóc rối bời, như mình chứng thực tế cho những gì cậu đã làm để dành được số huy hiệu cậu đang đeo kín ngực, cho dù người đeo cho cậu huy hiệu cuối cùng, không phải bố cậu như cậu đã mong mỏi, mà lại là ông già bán bóng bay cáu bẳn đã cùng cậu trải qua bao cam go của cuộc phiêu lưu tới Thác Thiên Đường.
Đặc biệt, một điều sẽ rất khó có thể nhận thấy nếu mới chỉ xem 1 lần. Đó là những kỷ niệm, những điều mà cậu bé vẫn luôn ghi nhớ về người bố của mình. Và đó là một hình ảnh người bố hết sức tuyệt vời, chưa từng bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để đựơc dạy dỗ con trai mình đối mặt với cuộc sống và lớn lên như một người đàn ông, chưa bao giờ từ bỏ thời cơ được tôn vinh con trai mình bằng những miếng huy hiệu bằng vải nhỏ xíu nhiều màu sắc, chưa một lần để lỡ cơ hội được vui vẻ cùng con trai mình chỉ bằng việc đếm số ô tô trên đường – tưởng như là một việc hết sức tốn thì giờ vô bổ. Vậy tại sao một người bố như vậy, tuyệt vời và hoàn hảo như vậy, lại có thể vì công việc mà vắng mặt trong buổi lễ quan trọng nhất của con trai mình ở cuối phim như vậy? Chi tiết này như một sự để ngỏ, một sự gợi ý mà không nói thẳng hết sức tế nhị và khéo léo vô cùng để miêu tả điều mà phim muốn nói. Vì với một cậu bé 8 tuổi, điều đó là một cái gì đó quá sức, và theo lẽ thường, sự thật sẽ phải mất thêm thời gian để đến được với cậu.
Như đã nói, ngay từ đầu phim, những hình ảnh mang tính biểu tượng, tượng trưng đã được sử dụng liên tục. Và công việc Carl chọn khi về già chính là một trong số đó. Bán bóng bay. Tại sao lại không phải là bán kem hay cái gì khác mà bọn trẻ con cũng thích, mà lại là bóng bay? Không phải vì đó là chủ đề mà phim đã chọn. Mà là vì bóng bay là một thứ luôn luôn và chắc chắn sẽ xuất hiện rất sớm trong cuộc đời của bất cứ đứa trẻ nào, và nó là hình ảnh cô đọng nhất, hợp lý và chuẩn xác nhất để đại diện cho tất cả những gì trong sáng, đẹp đẽ, bay bổng, kì diệu, tuyệt vời và màu sắc nhất trong cuộc đời một đứa trẻ, một thứ không bao giờ bị vương vấn những lo toan, bon chen của cuộc đời, luôn luôn tươi đẹp và rực rỡ, luôn luôn chỉ chực kéo bạn lên, đưa bạn vào thế giới mộng mơ, bồng bềnh, kéo bạn vào một thiên đường tuyệt đẹp và trong vắt của bầu trời xanh và những đám mây trắng như bông gòn, nó là đại diện cho mọi ước mơ, mọi niềm đam mê, mọi thứ tưởng như là khó tin, và khó xảy ra nhất, là sự thần kỳ, là điều mà không đứa trẻ nào không một lần trong đời “nhảy lên với lấy nó và kéo nó xuống” để nó không lôi tuột bạn vào không gian bao la phía trên kia, để nó luôn “nằm trong tay mình”, để nó luôn “nằm trong tầm kiểm soát”, như Carl đã từng phải dùng tay chặn lại để chiếc xe đẩy bán bóng không bay đi mất.
Có thể nói hình ảnh bóng bay chính là một nguyên tố có chết cũng không thể thiếu và mang yếu tố cực kỳ quyết định, để đưa Up trở thành một kiệt tác không chỉ của ngành hoạt hình thế giới, mà còn là của điện ảnh thế giới nói chung.
Và cũng chính hình ảnh bóng bay rực rỡ sắc màu, đã tiếp sức hết sức tuyệt vời cho tông màu của bộ phim. Nếu để ý ta sẽ thấy những tháng ngày hạnh phúc trong 10 phút đầu tiên của phim là những tông màu rực rỡ và trong trẻo, cho một cảm giác thanh bình dịu êm đến lạ kỳ thì ngay sau đó, vẫn là những khung cảnh đó, vẫn là những đồ vật đó, ngôi nhà đó, mà sao Carl đi lại trong nhà mọi thứ lại trở nên trống vắng, xam xám một màu ảm đạm của một cuộc sống buồn tẻ và đầy sự bực mình, của một ông già. Và rồi ngay lập tức, khi ngôi nhà “cất cánh”, liệng vào không trung, thì cái không khí tươi vui hạnh phúc lại tiếp tục tràn ngập màn hình, khiến khán giả có cảm giác như được nhẹ lòng phần nào sau những gì đã xảy ra trước đó, như một sự giải thoát, như một sự cởi nút và làm thoả mãn những ngột ngạt ứ đọng, và có lẽ sẽ chẳng còn nút thắt nào được mở bằng cách hay hơn cách mà Carl Fredicksen đã làm trong UP.
Sự tinh tế đến tột cùng của phim còn thể hiện ở những chi tiết tưởng là nhỏ nhặt vớ vẩn như Carl mọc râu lún phún sau mấy ngày phiêu lưu, cũng như việc cậu bé con Russell mình mẩy đầy bụi bặm nhọ nhem khắp mặt mũi khi về tới nơi để nhận huy hiệu cuối cùng của Ellie. Những tinh tế đến cả ở những chi tiết như đôi ghế mà đôi vợ chồng từng ngồi, của Carl là chiếc ghế bành vuông vức cũng giống y như tạo hình của ông, trong khi Ellie gắn liền với chiếc ghế có hình dạng uốn lượn hết sức mềm mại. Hay như hình ảnh những chú cò đưa con được 2 người vẽ lên tường những mong sẽ có được một đứa con theo ý muốn, tình cờ hay cố ý lại liên hệ nhẹ nhàng tới Party Cloudy – phim ngắn trước khi vào Up.
Có người đã hỏi tôi là tại sao Carl lại vứt bỏ hết tất cả những thứ quý giá trong nhà của mình đi, chỉ để quay lại cứu một cậu bé con không quen biết và một con vật kì dị thậm chí còn không rõ là con gì, và một con chó, biết nói. Câu trả lời chính là ở những hành động của Carl đó thôi. Như tớ đã nói ở trên, ước mơ của Ellie mà Carl đã cross the heart từ thuở thơ ấu là sẽ thực hiện bằng được ấy, ko phải là đặt được ngôi nhà tổ ấm đó của 2 người lên đỉnh ngọn thác, đó chỉ là cái đích, cái ước mơ thực sự chan chứa trong lòng Ellie suốt mấy chục năm tháng cuộc đời bên nhau chính là ở chuyến đi tới đó, chính là những cuộc phiêu lưu. Và với việc bằng lòng với những gì mình đang có, trong ngôi nhà, với việc mình đã tới được cái “đích”, Carl đã chưa thực hiện được lời hứa năm xưa của mình, ông đã sai. Và ông đã nhận ra, mọi thứ vật chất ông đang có trong nhà và cả cái Thác Thiên Đường kia chỉ là những thứ phù du, cái đã giúp 2 vợ chồng ông vượt qua bao năm tháng khó khăn bên nhau, cái đã giúp ông vựơt qua bao hiểm nguy trên đường tới ngọn thác, mới là tài sản giá trị nhất cuộc đời ông, mới là thứ có ý nghĩa nhất mà ông phải làm để thực hịên điều mà ông đã cross the heart với Ellie, mới là thứ mà ông cần phải giữ gìn nhất. Một trái tim tràn đầy nhiệt huyết với những cuộc phiêu lưu, một tinh thần trách nhiệm sẵn sàng xả thân vì bạn bè, mới là thứ khiến ông mạnh mẽ trước kẻ thù, chứ không phải cơ thể răng rắc xương cốt của tuổi 70 kia. Chính vì thế, những thứ quý giá trong ngồi nhà cũ kỹ kia, chỉ còn là quá khứ, bỏ chúng đi vì chúng là những hành trình phiêu lưu đã qua, đã kết thúc, và Carl cần phải biết cách dứt bỏ chúng để tiếp tục những hành trình mới trên cuộc đời của mình.
Một người khác lại thắc mắc là tại sao 2 ông già lụ khụ lại có thể hăng máu đến vậy trong cuộc tranh giành quyết liệt gần cuối phim. Tương tự như thắc mắc phía trên, ấy là vì họ có sức mạnh của nhiệt huyết, dù họ đã già, nhưng trái tim của họ thì trẻ hơn bất cứ ai. Thế nhưng chắc có người sẽ nói Charles Muntz là nhân vật phản diện, là kẻ xấu cơ mà? Không, thực tế Up đã cho thấy hình tượng Charles Muntz hoàn toàn không phải kẻ xấu. Ông ta thậm chí còn là một người tốt nữa là khác. Với những gì ông ta đã làm để tiếp đón 2 ông cháu Carl và Russell, không ai có thể nói ông ta là kẻ xấu được. Nhưng chính cuộc đời phụ bạc, chính quá khứ bị hắt hủi và không được thừa nhận, chính cái ước mơ điên rồ và rạo rực trong tim ông đã làm cho ông mờ mắt và mù quáng vì mục đích của mình. Ông đã từng là một người trẻ tuổi tài năng, là thần tượng của không biết bao đứa trẻ, ông cũng đã từng có một cuộc đời phiêu lưu kỳ thú và tuyệt vời khi còn trẻ, cũng đã từng là một đam mê cháy bỏng cho những chuyến phiêu lưu luôn nóng hổi trong tim ông. Từng kỉ vật ông lưu giữ trong chiếc khinh khí cầu của mình chính là những minh chứng thuyết phục nhất cho một con người đầy những đam mê và nhiệt huyết, người đã từng gây những ảnh hưởng lớn lao tới cuộc đời của cả Carl và Ellie, là lý do khiến cho một ngôi nhà có thể bay lên nhờ những quả bóng chứa khí heli. Một con người làm đựơc từng ấy việc, sao có thể là người xấu được?
Nhưng cũng giống như Carl, có lẽ tuổi già đã khiến ông lạc lối, ông đã quên mất rằng sự kì diệu của các cuộc phiêu lưu chình là những chuyến đi, chứ không phải cái đích mà ta muốn tới, và ông thì đã để ham muốn chạm tới cái đích lấn át tinh thần ông, lấn át tình yêu phiêu lưu trong tim ông, tất cả chỉ còn là ham muốn tột độ muốn chứng tỏ mình với thế giới. Một ông già hơn 90 tuổi với những ham muốn sao mà giống với ham muốn của những đứa trẻ đến vậy. Có lẽ, xét cho cùng, những gì ông làm, những gì ông nghĩ, chẳng khác con người của chú bé Russell là bao. Cũng làm rất nhiều, phiêu lưu rất nhiêù, từng trải rất nhiều, chỉ để gây ấn tựơng với ai đó, với Russell thì là một dải băng kín huy hiệu để khoe bố, còn với Muntz, đó là để chứng minh với thế giới rằng ông không nói dối. Muntz chính là tổng hợp giữa một ông già cáu bẳn (Carl) và một tâm hồn trẻ thơ (Russell).
Và có thể nói, sự tinh tế trong việc diễn tả chi tiết phim đã đạt tới đỉnh cao, khi nói về những cái chết – một điều đáng sợ với bất cứ ai – trong một bộ phim hoạt hình (mà ai cũng mang cái định kiến là chỉ dành cho trẻ con), không hề có một từ nào nhắc tới “chết” “giết” “qua đời”. Không một từ, không một hình ảnh miêu tả. Chỉ cần cảm xúc. Tất cả được diễn đạt bằng cảm xúc, bằng ký ức, bằng hoài niệm, bằng ám ảnh, bằng bất mãn và dằn vặt…. Không cần phải nói ra, không cần phải chứng kiến. Liệu một đứa “trẻ con” có hiểu được những khéo léo khi thể hiện những cái chết đó chăng? Tôi thậm chí không tin bất cứ người lớn nào cũng hiểu hết được sự thâm sâu của những chi tiết đó.
Hình ảnh các nhân vật chó chính là sự tinh tế khi xây dựng nhân vật của Pixar. Họ miêu tả tuyệt vời và sống động tất cả những gì có ở 1 chú chó thực sự vào các chú chó 3D trong phim, từ thói nghịên chơi bóng, phản ứng khi có Sóc chạy qua, các động tác như point của các loài chó đã được huấn luyện,…. Và mỗi chú chó đều có một tính cách riêng, một suy nghĩ riêng, một đời sống riêng hết sức phong phú và sống động.
Nếu nói về sự tinh tế trong làm phim của đội ngũ Pixar trong phim này, thì không thể không nói tới “tông màu” của phim (nói rồi, nhấn mạnh thêm tí). Tông màu của Up khiến mình liên tưởng rất nhiều tới những hình ảnh Visualization khi nghe nhạc bằng Windows Media Player, đó là những màu sắc biến đổi liên tục cùng với nhịp điệu của bài nhạc, cùng với cảm xúc của bài nhạc. Up cũng vậy, với cùng một khung cảnh, mà trong 2 tình huống với tâm trạng và không khí khác nhau, chúng lại mang trên mình những tông màu khác nhau. Nhưng ở đây nó không chỉ đơn giản là tông màu, mà nó còn là cái “không khí”, Pixar đã khiến cho khán giả “cảm” được cái cảm xúc của những nhân vật trong phim chỉ thông qua việc thay đổi tông màu của cùng một khung cảnh trong phim. Ví dụ như khung cảnh căn phòng khách với 2 chiếc ghế bành đặt cạnh nhau, khi hai vợ chồng Carl hạnh phúc bên nhau, tất cả mọi thứ chùm một tông màu rực rỡ tươi sáng và lạc quan thấm trong từng vật dụng một, thì những trường đoạn buồn lại được bao trùm bởi tông màu xam xám, khiến cho khán giả cũng cảm thấy chùng theo tâm trạng của cảnh phim.
Phối hợp theo những tông màu được chuyển tiếp lẫn nhau cực kì tinh tế và uyển chuyển đó lại là những bản nhạc tuyệt vời có khả năng lèo lái, điều khiển tâm trạng người xem một cách hết sức nhẹ nhàng. Cái tài của nhà soạn nhạc chính là khiến cho bản nhạc hoà quyện được vào từng cảnh phim, trong đó có nội tâm, nội dung, hình ảnh và màu sắc, và những bản nhạc nền của Up đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, chính nhờ vậy, hiệu quả đưa người xem vào tâm trạng của nhân vật trong phim đã được hoàn thành một cách hoàn hảo.
Những trường đoạn buồn bã, hài hước, và vui vẻ nhẹ nhàng đuợc phối hợp một cách nhịp nhàng trong mạch phim, khiến tớ có cảm giác như bộ phim như một bản nhạc lớn, mà những tình huống trong đó chính là những nốt nhạc trầm bổng, liên kết với nhau không chỉ chặt chẽ mà còn hết sức nhẹ nhàng, khán giả không khi nào bị shock vì các tình huống bị chuyển tiếp quá nhanh, quá bất ngờ, không có khi nào đang cười thả cửa thì bỗng nhiên lại bắt họ rơi ngay vào tâm trạng trầm lắng của những trường đoạn buồn.
Như ta đã biết, khung cảnh của Paradise Fall đã được các nhà làm phim lặn lội tới tận Venezuela để tham khảo khung cảnh thực và mô phỏng lại trong phim. Nếu lại khen trình độ kỹ thuật của Pixar nữa thì sẽ là thừa, nhưng cái mà Pixar đã làm được với tất cả những hình ảnh trong phim, mà Paradise Fall là một phần, họ đã không chỉ làm cho nó đẹp, để thể hiện trình độ CGI, mà là họ đã làm nên các kiệt tác nghệ thuật bậc thầy, vì những hình ảnh trong phim không chỉ đơn giản chỉ là các mô hình 3D chuyển động và mô phỏng, mà còn là những phản chiếu cảm xúc tuyệt vời với câu chuỵên phim. Không chỉ dừng lại ở các hình ảnh 3D, mà còn ở các hình ảnh 2D xuất hiện trong phim (đoạn 2 vợ chồng vẽ lên tường ngọn tháp và con cò). Thật sự vì mình là một người đam mê và đang học về hội hoạ, nên mình quá ấn tượng với 2 bức tranh đó. Cũng giống như những gì mình đã nói ở trên về phần hình ảnh trong phim. 2 bức tranh đó, không chỉ đơn giản là những nét vẽ 2 chiều, mà đó còn là cảm xúc, là ước mơ của 2 vợ chồng Carl truyền tải vào đó. Ai không biết sẽ nghĩ những nét vẽ đó thật là nguệch ngoạc, nhưng trên thực tế, đó là những nguệch ngoạc của những hoạ sĩ tuyệt vời, không chỉ có tay nghề cực kỳ vững chắc, mà còn có khả năng truyền tải được tâm lý của nhân vật thông qua những bức tranh đó.
Một cái ghế bành hình vuông và 1 cái ghế bành hình uốn lượn? Một ông già được xây dựng bằng toàn những hình vuông và một bà nhà được xây dựng từ toàn những đường uốn lượn?
Một bộ phim đủ cảm xúc để khiến người ta khóc, một bộ phim đủ hài hước vui vẻ đủ để khiến người ta cười, một bộ phim có sức mạnh cuộn người xem theo cảm xúc của phim đủ để khiến người ta xem xong về nhà đi ngủ vẫn còn mơ thấy những quả bóng bay, đó chính là Up.
Với cá nhân mình, bộ phim chính là bài học tuyệt vời nhất về ước mơ của mỗi người trong cuộc đời, và hãy thực hịên nó càng sớm càng tốt, đừng để cuộc đời trôi qua rồi mới cảm thấy hối hận vì tuổi trẻ nhiệt huyết đã hết. Bạn cần phải có ước mơ, đó chính là ý nghĩa to lớn nhất của tuổi trẻ. Vì chính mình có một ước mơ, một đam mê, hoài bão to lớn và hết sức điên rồ vẫn đang ấp ủ từng ngày, vẫn đang phải “tiết kiệm tiền lẻ trong cái hũ thuỷ tinh để rồi vì cuộc sống đưa đẩy, hết lần này đến lần khác phải đập vỡ nó”, và mình thực sự có được những cảm xúc hết sức đông điệu với 2 vợ chồng Carl.
Chính vì thế, với mình, bộ phim này chính là bộ phim hoạt hình điện ảnh hay nhất mình từng xem, là bộ phim hoạt hình 3D hay nhất của Pixar mà mình từng thưởng thức, là bộ phim điện ảnh cho mình nhiều cảm xúc nhất từ trước tới giờ. Và nó càng khẳng định với mình hơn nữa rằng, một bộ phim tuyệt vời nhất, là bộ phim đã chinh phục được tất cả các khán giả bất chấp tuổi tác, dù là 3 tuổi hay 130 tuổi, bộ phim đều có một giá trị tinh thần tuyệt vời không thể chối cãi, và đó chính là cái giá trị không thể nào thay thế của phim hoạt hình Disney bên cạnh các bộ phim về lịch sử, chính trị, chiến tranh đau đầu nhức óc mà vốn khi làm ra chỉ nhắm đến duy nhất một nhóm khán giả người lớn (mà còn phải là người lớn có tri thức).
Có bao nhiêu phim mà ở trong rạp bạn được nghe thấy tiếng 1 em bé cười khoái chí song song với tiếng cười của một bác nữ trung niên tầm 50 tuổi trước hình ảnh chú cho Dug ngốc nghếch nhưng cực kỳ dễ thương? Với tôi thì chỉ có một.
Điểm: 9/10. Với thang 5 như của các bạn VNfilmcritics thì là 4,5/5
Dài bà cố 😀 Giờ mới hiểu bạn SR mê phim này ra sao 🙂 Chẳng bỉết nói sao, bạn sr nói quá đầy đủ và hay rồi, nhưng đối với mình nó vẫn giữ một khoảng cách nhất định đối với các phim trong top 10 của mình. Dù sao thì rõ ràng tụi Oscar tăng đề cử lên 10 là để có Up vô trong top đó rồi, nhưng khi vô đó rồi thì không hiểu còn được vô list của phim hoạt hình không, vì phim hoạt hình năm nay có cái Coraline hay quá, phim 9 sắp tới cũng hứa hẹn.
hình ảnh này http://www.phanxineblog.com/wp-content/uploads/2009/07/up_lostfall.jpg là một trong những cảnh mình mê nhất phim.
Đúng òi :D. Với list của mình thì phim này đã lên top của Top 10. Ấy là với mình thôi :D. Coraline mấy hôm nay kéo torrent mãi ko được :(, muốn xem quá. cái 9 cũng rất mong chờ, xem poster đã thấy phê như con tê tê rồi 😀
woa, hình ảnh minh họa tuyệt lắm… bạn này vô DAN quảng cáo blog nha
Đấy ko phải quảng cáo blog. Bt mình copy hết cả bài. Nhưng bài quá dài, 1 bài viết trong DAN sẽ ko đủ, và mình sẽ mất nhiều thời gian để tách bài. Làm thế này là đơn giản nhất.
Bình thường mà Sr, quảng cáo đâu có tội gì đâu 😀
nghe rẻ tiền quá TT_TT. Tớ có quảng cáo gì đêu chứ TT_TT
yêu :X
😀
Không hiểu sao nhưng mà có cảm giác là đọc hai bài review.
chắc do tớ viết lủng củng quá :))
hihi, bài víêt xúc động thế 🙂
phim này làm hình khối rất thú vị nhé, tròn vuông tròn vuông tam giác….
ending credit cũng độc đáo vô cùng
thanks anh ^^. Hehe, đúng rồi, 2 lần em đi xem đều ngồi chỉ chỏ so sánh giữa ảnh và chữ ở credit với mấy đứa bạn, vui kinh 😀
Film hay nhưng nói hay quá thì không tới mức. Tui thấy nó chưa đạt mức coi 1 chút là đã cảm thấy hết sức bị cuốn theo film như Wall E. Phần về Charlez Muntz thì phần lớn là không đồng ý, loại người như ông già này đầy ra, sẵn sàng đạt được mục đích bất chấp thủ đoạn và lòng tự tôn của riêng mình. 1 mặt đúng là có thể coi cha đó như 1 kết hợp giữa con nít và người lớn, nhưng đó là sự kết hợp giữa tính bướng bỉnh trẻ nít và sự thâm độc của người lớn thì đúng hơn. Anyway mỗi người mỗi cảm nhận. Dù sao thì film vẫn hay mà…
Yeah, personal point :D, what can we say 😀
Review hay, nhưng chưa xem vì hông khoái hoạt hình lắm.
Hỏng hỏng, hoạt hình là 1 trong số những loại hình điện ảnh nghệ thụât cao cấp đấy anh :D. Ý em là anh ko thích hoạt hình là bỏ lỡ nhiều thứ tuyệt vời đấy :D, vì riêng trong hoạt hình đã chia ra nhiều thể loại rồi :D, nếu anh chịu khó tìm xem những phim thuộc các thể loại mà anh thích đảm bảo ko thất vọng đâu, nhiều phim nội dung còn hay hơn cả live action ấy chứ
Hông, hoạt hình cổ điển vẽ tay thì xem, còn từ khi nó chuyển lên 3D thì hông xem nữa dù Pixar có nhiều phim (hầu hết là) hay. 😦
Hehe, em thì cũng chỉ trung thành với mỗi Pixar, chứ còn hầu như phim khác là xem hương xem hoa ở nhà thôi :))
Đoạn ông già quăng các kỷ niệm thương yêu của mình xuống đất còn có ý nghĩa “Nâng lên được, bỏ xuống được”
Điều mà không phải ai cũng có can đảm để thực hiên. Đôi khi, ta tự mụ mị chính mình, bị ràng buộc bởi sự kềm tỏa tiêu cực của bản thân, một quãng thời gian dài. Và, nếu không có một chữ “Nếu” xuất hiện, liệu ta hay ông già có thể từ bỏ điều đó một cách dễ dàng như vậy?
yes, ý này của bạn cũng rất hay :), cảm ơn bạn đã comment 🙂
Mình thấy phim này cũng hay nhiều đoạn xem khá cảm động nhưng với mình thì chưa phải là phim hay nhất Pixar từng làm. Nếu chọn một thì mình chọn WALL-E 😀