
Đợt vừa rồi xem phim Trò Đời khiến cho mình nhận ra một vài điều về vấn đề “Người Hà Nội” cảm thấy muốn chia sẻ 1 chút. Trong phim này có rất nhiều nhân vật, từ rất nhiều truyện khác nhau của Vũ Trọng Phụng, đến từ rất nhiều tầng lớp, hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại diễn đạt được rất nhiều những ngộ nhận của hầu hết mọi người về chuyện thế nào là “Người Hà Nội” không chỉ ở thời bấy giờ mà còn đúng cả ở ngày nay.
Rất nhiều người mà mình biết luôn cho rằng “Người Hà Nội” thì phải đáp ững được những vấn đề như kiểu: ăn mặc thời trang, sành điệu, hàng hiệu cao cấp, đầu tóc trang điểm xinh đẹp, cử chỉ nói năng nhẹ nhàng, dịu dàng, rồi nào thì phải thướt tha, thanh lịch, lễ phép, phải biết các loại lễ giáo, giao tiếp, phải biết làm nọ làm kia nội trợ, nấu ăn, ăn uống phải kiêng dè, hay vớ vẩn nhất là phải là nhà có gia giáo, có truyền thống, sống ở Hà Nội lâu năm, nhiều đời ông bà cụ kị, rồi là phải thưởng thức các loại văn hoá cao cấp nhất định, phải ăn uống kén chọn, biết ăn biết nấu các món nọ món kia cao cấp, phức tạp văn minh nọ kia lọ chai, vân vân và vân vân. Mình xin đính chính luôn với mọi người là tất cả các khái niệm kiểu ở trên đều sai bét hết, vì đó chẳng là bất cứ cái gì khác ngoài những thứ mang tính bề ngoài, bề nổi, chỉ là cái vỏ nông cạn ở trên bề mặt, thậm chí còn có phần hủ lậu, lạc hậu, hoàn toàn không phản ánh bất cứ thứ gì liên quan tới “Người Hà Nội” cả. Thật ra mấy cái chữ “Người Hà Nội” chỉ để thay thế cho một khái niệm khác cởi mở hơn, gần gũi hơn là “Văn Minh, Tiến Bộ, Chân Thành”. Thế thôi, chẳng có gì khác cả, và thật ra là việc bạn có sống ở Hà Nội hay ở bất cứ tỉnh nào khác, sống bao lâu rồi, quê gốc bạn ở đâu, nó chẳng liên quan 1 chút nào đến việc bạn có xứng đáng được gọi là “Người Hà Nội” (mà thật ra là người “văn minh”) hay không, vấn đề nằm ở cách sống, tư tưởng, cách đối nhân xử thế của bạn chứ ko phải cái gì khác.
Lấy ví dụ như trong phim Trò Đời luôn thì như thế này: Hai nhân vật duy nhất trong phim xứng đáng được gọi là “Người Hà Nội” là ông nhà báo và con Đũi, và 2 nhân vật này có một điểm chung rất lớn đó là sự “Chân Thành” (hay là thật thà, chân thật, thật lòng, vân vân, từ nào cũng đúng, miễn “thật”). Đây là những người mà họ có sao thì họ thể hiện ra vậy, hết sức chân thật, không hề có một cái vỏ giả dối nào được tô vẽ lên con người họ bằng những giọng nói ngon ngọt như mía lùi, không hề cố gắng bắt chước, học đòi theo một kiểu cách ứng xử giả tạo nào. Bản chất con người của 2 nhân vật này có làm sao thì người ngoài cũng sẽ đón nhận được những điều đúng như vậy, không hơn, không kém. Với con Đũi thì mặc dù là một con người ở, con sen nhà quê lên tỉnh, nghèo nàn, nhưng rất thật thà, trong sáng, chịu khó học tập, học hỏi, có đầy nghị lực và ý chí, không ngừng đấu tranh để vượt qua chính số phận khổ sở của mình để cuối cùng giành được một cuộc sống xứng đáng, và quan trọng nhất là giành được tất cả những gì chuẩn xác nhất về khái niệm một “Người Hà Nội THẬT”, bất chấp xuất thân quê mùa. Thậm chí còn đáng nể phục hơn khi thân là con gái trong cái thời kỳ mà vai trò của người phụ nữ trong xã hội bị coi thường, coi rẻ, vậy mà Đũi vẫn có thể lội ngược được dòng đời xô đẩy để tìm được hạnh phúc và sự nghiệp cho mình một cách chân chính. Còn anh nhà báo chính là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp “người Hà Nội” trí thức Tây học, cả con người từ bên trong ra bên ngoài hết sức thẳng thắn, chân thành, tử tế, nhưng cũng toát lên từ trong bản chất một tính cách hết sức có văn minh, lịch sự, có tư tưởng cực kỳ tiến bộ, cởi mở, có sự tôn trọng con người tới mức tối đa, và cũng giống như Đũi, có một khao khát học hỏi không ngừng nghỉ để càng ngày càng hoàn thiện mình hơn. Cả 2 người này đều là những người cực kỳ trong sáng, tiến bộ, không bao giờ dừng bước trước khó khăn, không bao giờ đổ tại hay trốn tránh hoàn cảnh của mình, không bao giờ dựa dẫm hay phụ thuộc vào bất cứ ai, không bao giờ bán rẻ lương tâm hay nhân phẩm của mình để tìm kiếm cuộc sống nhàn hạ, dễ dãi.
Trong khi đó nhìn sang các nhân vật khác, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt với 2 người Hà Nội “thật” ở trên: Tất cả mọi thứ của họ đều là “giả”. Bà phó Đoan thì là hạng vô học, quê mùa, nhưng lười biếng, dốt nát, không biết làm gì khác ngoài việc suốt ngày đi kiếm chồng giàu, chồng có quyền, chồng Tây để dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, để được sống sung sướng, chẳng phải làm gì, nhưng lại rất hay ra vẻ thanh cao, trịch thượng, đối xử với người khác, với con cháu là nữ không ra gì. Toàn bộ con người bà này chẳng có 1 chút gì là thật, hoàn toàn là những thứ quần áo vải vóc trang sức do người khác cung cấp phục vụ cho bà, cách đi lại ăn nói thì ngọt nhạt, mặc dù có vẻ dịu dàng nhưng thực chất chỉ để che đậy bản chất giả dối và thủ đoạn của mình (kinh dị nhất là mình biết rất nhiều người trong cuộc sống thật ở ngày nay vẫn còn như thế này). Rồi thằng Xuân tóc đỏ, người có kết cục trở thành “người Hà Nội” được ngưỡng mộ nhất trong câu chuyện, lại thật ra là 1 thằng gian manh, xảo trá, chuyên đi lừa đảo, lợi dụng người khác để vụ lợi cho cá nhân, miệng lưỡi lươn lẹo, mặc dù phun châu nhả ngọc nhưng thực ra bên trong rỗng tuếch, hoàn toàn chỉ là dạng bắt chước như vẹt chứ thật ra chẳng có gì đáng tôn trọng. Và gia đình nhà cụ cố Hồng, ông Văn Minh, mang tiếng là gia đình danh gia vọng tộc, truyền thống gia giáo nhiều đời, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn “người Hà Nội” mà ngay cả người thời nay có khi còn phải kính nể. Thế nhưng thực tế lại toàn 1 đám trưởng giả học làm sang, học đòi đua theo văn minh phương Tây, nhưng chỉ trớt quớt cái bề ngoài những chuyện hời hợt như chơi quần vợt, ăn mặc complet, tóc vuốt ngược, mở mồm ra là thùng rỗng kêu to những bài “cải cách” trong khi thực ra trình độ học vấn hay tư cách con người thì chẳng đến đâu. Trong phim có được 2 cô gái trẻ đều là thuộc dạng lơ ngơ, ngớ ngẩn, chẳng biết gì, học hành thì không đến nơi đến chốn, chỉ giỏi đọc vẹt trích dẫn từ sách Tây mà thực ra cũng chẳng có chút hiểu biết gì, cuộc sống chỉ loanh quanh trong nhà, bám víu gia đình, chẳng có tí chí hướng phấn đấu vươn lên, học hỏi nào. Đàn bà thì chỉ quan tâm váy áo xinh đẹp, tán tỉnh ông nọ ông kia để dựa hơi, lệ thuộc, ăn bám, loanh quanh suốt ngày lo lắng những chuyện lễ nghĩa nông cạn, giả tạo, bề ngoài. Còn đàn ông thì là 1 đám lăng loàn, ngu dốt, thiếu chung thủy, vô trách nhiệm, cực kỳ bê tha và vô dụng, lại còn gia trưởng, mắng mỏ cấm đoán vợ con, lười biếng, nghiện ngập thuốc phiện, không làm được cái việc gì cho gia đình, đụng đến là phàn nàn “Biết rồi khổ lắm, nói mãi”, suốt ngày chỉ trông chờ vào vợ con phục vụ tận mông, tham lam vô độ, bất hiếu vô nhân chỉ trong chờ thừa hưởng gia tài, tìm cách giết cả bố đẻ, ông nội mà không ghê tay, rước cả dạng lưu manh cơ hội như thằng Xuân vào nhà để cho nó làm nhục cả gia tộc, lại còn biến nó thành anh hùng.
Nói tóm lại phim đã vạch trần được cái sự thật về hình ảnh “người Hà Nội” mà rất rất nhiều người vẫn lầm tưởng từ xưa tới nay: Tất cả những nhân vật “Hà Nội” nhất phim theo tiêu chuẩn mà mọi người lầm tưởng lại thật ra ít “Hà Nội” nhất trong phim, trong khi đó những nhân vật tưởng chừng như quê mùa, ít học lại xứng đáng hơn nhiều 2 cái chữ “Hà Nội”. Thật ra đất Hà Nội cũng giống như bất cứ vùng miền nào, cũng đều toàn người ở nhiều vùng khác nhau dọn đến định cư, gây dựng cuộc sống từ ngày xửa ngày xưa, nên chẳng có cái khái niệm “Hà Nội gốc”. Bất cứ ai đến từ bất cứ đâu chuyển tới Hà Nội sống đều có thể trở thành người Hà Nội, cũng giống như bất cứ ai đến từ đâu chuyển đến Sài Gòn cũng có thể trở thành người Sài Gòn, tương tự với tất cả mọi vùng miền, địa phương không chỉ ở mỗi Việt Nam mà còn là cả thế giới này. Tuy nhiên việc sống làm sao cho ra sống, cho chân thành, đối xử với nhau bằng tấm lòng thực sự, hành xử lịch thiệp nhưng giản dị, nói năng thẳng thắn nhưng vẫn chừng mực, ăn uống ăn mặc đơn giản, không cầu kì sang trọng, có ý chí phấn đấu, vươn lên, không ngại gian khó, chịu khó học tập trau dồi tư tưởng và trình độ, vân vân, thì đó lại là vấn đề của mỗi con người. Bản thân mình có rất nhiều bạn bè, người thân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, và mình thấy là ối người ở “ngoại tỉnh” mà người ta thật thà, chân thành, tốt bụng, có chí hướng, khiêm tốn, giản dị, còn đáng yêu hơn, đáng tôn trọng và chân quý hơn, còn “Hà Nội” hơn vạn lần những người sống ở Hà Nội cả mấy chục đời nay nhưng miệng nam mô bụng bồ dao găm, khẩu phật tâm xà.
Hà Nội hay không nó ở trong tim chứ không phảiở âm lượng giọng nói hay từ ngữ cảnh vẻ khách sáo, nó ở sự chân thành và trình độ chứ không ở bộ quần áo mặc trên người bao nhiêu tiền, chất liệu gì cao cấp, nó ở những điều mình làm được, đóng góp được cho xã hội, những sự phấn đấu không biết mệt mỏi, những đấu tranh vượt qua hoàn cảnh, số phận bất kể khó khăn, chứ không nằm ở việc ăn uống có nhồm nhoàm hay không, ăn món gì cao cấp hay bình dân, hay lúc ăn thì có giữ kẽ hay không, bóc quả chuối, quả cam như thế nào, nó nằm ở việc đối xử với người khác ra sao, ứng xử trong cuộc sống thế nào, có so đo tính toán hay không, có chia sẻ giúp đỡ nhau, hay tôn trọng cá nhân hay không, chứ không nằm ở việc có lễ phép hay biết nấu cơm rửa bát hay không, hay ở việc vợ chồng có giàu có, điều kiện sung sướng hay không. Con người làm nên Hà Nội chứ Hà Nội không làm nên con người. Và phải nhấn mạnh thêm lần nữa, thật ra ba cái chữ “người Hà Nội”, làm ra vẻ cho nó cao quý sang mồm, chứ thật ra đơn giản chỉ là làm người sao cho tử tế, tiến bộ, thật thà, giản dị, mà thật ra thì bất cứ ai cũng có thể trở thành “người Hà Nội” hết.