The Dark Knight Rises (2012) – 9.5/10
Một cái kết quá hoàn hảo cho một huyền thoại.
Trước tiên, tớ phải nói rằng, tớ chưa bao giờ là fanboy của series Batman do Chris Nolan đạo diễn, vì nó không phải là cái “kiểu” phim có thể khiến tớ trở thành fanboy. Và vì thế, tớ chưa bao giờ trông đợi hay ngóng chờ háo hức bất cứ phần nào trong cả 3 phần phim, để rồi chỉ đến khi được xem, thì mới lăn đùng ngã ngửa ra vì những điều tuyệt vời mà Chris đã làm cho Batman. Và lần này cũng vậy, Chris lại tiếp tục thuyết phục tớ bằng tài năng của mình trong The Dark Knight Rises.
Trước khi nói vào phim, phải nói rằng nhà sản xuất đã có 1 chiến lược hoàn hảo trong việc PR và marketing cho phim. Chiến lược này thực sự theo mình chẳng kém cạnh là bao so với những gì Joker từng làm trong The Dark Knight cách đây 4 năm. Cái tuyệt vời trong chiến lược đó nằm ở trong những cuộc phỏng vấn, những lời phủ nhận, những tin đồn, những scandal… trước khi phim được chiếu, mà chỉ khi bạn xem phim và để ý, bạn mới nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều đã rơi vào cái bẫy PR của nhà sản xuất 1 cách tài tình đến như thế nào. Và tất nhiên, những cái bẫy đó giăng ra cũng đóng góp 1 phần không nhỏ trong việc khiến cho khán giả được trải nghiệm những cảm giác hưng phấn, bất ngờ, hào hứng với tất cả mọi thứ trong phim. Và ở đây, dùng cái từ “bị thổi bay” “bị nổ tung” để mô tả đầu óc bạn khi xem TDKR là quá chuẩn, không lệch đi đâu được.
Một cái lý do lớn lao nhất khiến cho tớ chưa bao giờ thực sự “thích” series Batman của Nolan là vì dù đó là những bộ phim tuyệt vời về mặt điện ảnh, chúng lại chưa thực sự làm tớ thỏa mãn về hình ảnh Batman – vốn là một nhân vật mang tính “biểu tượng” (symbol) cực lớn trong lòng bất cứ fan truyện tranh nào. Nó vẫn có gì đó khiến cho tớ cảm thấy chưa “đúng lắm”, nhất là khi tớ đã được xem Batman trong hoạt hình Justice League, trong một số arc truyện tranh, và 1 số direct-to-Video animation khác. Batman là một nhân vật chỉ có thể dùng từ “vĩ đại”. Không có sức mạnh siêu nhiên nào, rất nhỏ bé và yếu ớt, nhưng anh ta nắm trong tay kế hoạch có thể tiêu diệt toàn bộ đội Justice League gồm toàn những siêu nhân có những sức mạnh mang tầm vũ trụ, anh ta từng đe dọa và khiến Dark Seid e ngại – một nhân vật phản diện có sức mạnh ngang tầm các vị thần, anh ta từng không ngại hi sinh mạng sống của mình để cứu cả hành tinh… Batman của Nolan chưa bao giờ được như vậy cho tới hết phần 2, và vì thế, mình chưa bao giờ cảm thấy đủ cho hình ảnh Batman đó.
Nhưng với The Dark Knight Rises, tớ đã được một phen sáng mắt với tầm nhìn quá rộng, quá xa và bao quát của Nolan với kiệt tác của mình. Tớ đảm bảo rằng ông ta đã tính toán tất cả để một cách tinh tế, đặt TDKR một cách gọn ghẽ, khéo léo vào bức tranh ghép hình cho huyền thoại về Người Dơi. TDKR có đầy đủ tất cả, vâng, tất cả, những thứ khiến cho Batman trong truyện và hoạt hình “hay”. Đó không chỉ là hàng trăm reference tuyệt vời dành cho fanboy ngồi nhìn, há mồm, sung sướng, hạnh phúc vô bờ, chỉ chỏ ô a như một lũ dở hơi trong rạp chiếu (sự thật là hôm nay, mình đã là thằng dở hơi khi thỉnh thoảng cứ cười hê hê 1 mình trong rạp chiếu họp báo vì phát hiện ra các reference được cài cắm vào phim), mà còn là việc hình tượng Batman – một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng trong mơ (trong truyện tranh) đã được khắc họa một cách hoàn hảo, đầy đủ và cực kỳ ấn tượng. Đây cũng chính là lần đầu tiên, mình cảm thấy cực kỳ thỏa mãn, thỏa mãn 1 cách hoàn toàn, với 1 phim Batman sau cả 3 phần. (tất nhiên là ai quen tớ thì lần quái nào ra khỏi rạp tớ chả tả như thế về các phim Batman :”>)
Nói đến tầm nhìn của Nolan là vì sao? Vì như tớ nói ở trên, BB và TDK chưa có được những thứ mà tớ trông chờ ở hình tượng Batman, nhưng TDKR lại có đầy đủ những thứ đó. Chính điều này đã cho tớ cái cảm giác rằng, Nolan đã “save the best for last”, ông đã xây dựng câu chuyện về Batman của riêng mình theo cái cách đi từ thấp tới cao, xây nhà từ móng dần lên đỉnh. Hai phần phim trước khi đứng riêng một mình, thì là những tuyệt phẩm lẻ loi, nhưng khi chúng đứng vào cùng 1 hàng ngũ với TDKR, thì đó là cả 1 câu chuyện lớn được viết chậm rãi, từng bước, dần dần, nhằm bồi đắp và xây dựng nên một “huyền thoại”, một “biểu tượng” theo đúng cái nghĩa chân thật nhất của nó. Nolan đã không chọn cách biến Batman thành một tượng đài lừng lững ngay từ đầu, mà vun đắp nó dần qua các phần phim một cách quá điêu luyện. Nếu như Batman Begins là sự khởi đầu của một “biểu tượng”, The Dark Knight là hình ảnh “anh hùng”, thì The Dark Knight Rises đã mô tả chuẩn xác nhất về Batman – một “huyền thoại”.
Nếu như TDK là một kiệt tác của đẳng cấp viết kịch của anh em nhà Nolan, thì TDKR là tuyệt tác của việc viết nên một huyền thoại, ghi dấu nó vào lịch sử điện ảnh, và mang đến đầy “cảm xúc” cho khán giả – điều mà Batman Begins và TDK chưa làm được. Tất cả mọi thứ trong phim, tất cả mọi đầu mối, tình tiết, lời thoại, hình ảnh, đều đã đóng góp hết sức mạnh mẽ vào những phân đoạn mấu chốt về cảm xúc trong phim. Cái việc đẩy mạch cảm xúc của TDKR được thực hiện giống như một cơn dâng trào của một sự nín nhịn, một sự chịu đựng. Những đầu mối cảm xúc được rải rác đều khắp phim với cường độ cứ tăng dần, đều đặn cho tới thời điểm mấu chốt và tất cả chúng được thả ra, cho tuôn trào vào đúng 1 giây phút quyết định. Những điều này đã được Nolan thực hiện quá tinh tế, quá khéo để khán giả có thể đắm vào phim và cảm nhận phim một cách hết sức “mềm mại” và tự nhiên.
Dù đưa vào rất nhiều reference từ truyện, nhưng phim cũng thay đổi rất nhiều thứ, trong đó có cả back story của các nhân vật, thậm chí tính chất đặc trưng của nhân vật cũng bị thay đổi. Những thay đổi này, tưởng như là một sự “phản phé” nặng nề tới fanboy của truyện tranh, nhưng thực chất, chúng lại có vai trò mang tính quyết định trong việc xây dựng nên một cốt truyện vô cùng vững chắc và khó đoán cho phim. Thậm chí, nếu suy nghĩ kỹ, có những ý ẩn dụ hết sức tinh vi được Nolan cài cắm trong những thay đổi này, mà nếu nhận ra được, sẽ thấy rằng nó quá đẳng cấp, quá đỉnh. Thật ra điều này không chỉ xảy ra trong mỗi phim này, mà đã từng được Nolan làm trong cả 2 phần phim trước. Nó không chỉ đóng góp trong việc bổ sung mạnh mẽ cho cốt truyện lẻ của từng phần phim, mà còn là những yếu tố mấu chốt làm nên sự khác biệt trong thế giới Batman của Nolan so với các phiên bản truyện tranh, hoạt hình hay điện ảnh khác.
Tóm lại, tớ cho rằng TDKR đã làm tốt hơn TDK về mặt điện ảnh một cách tổng thể hơn: giàu cảm xúc hơn, và gần với tinh thần của source material hơn. Tất nhiên, đây là những đánh giá rất cá nhân, chủ quan của tớ, phân tích kỹ thì đã nói ở trên rồi, và tớ cảm thấy tớ rất enjoy với những gì đã được thưởng thức trong TDKR. Về cơ bản, phim là một cái kết hoàn hảo, là mảnh ghép vừa khít để hoàn thiện bức tranh mang tính lịch sử về nhân vật Batman dưới bàn tay của thầy phù thủy Nolan. Một lần nữa, xin cảm ơn Christopher Nolan, vì những tâm huyết ông đã dành cho trilogy này và nhân vật Batman – một trong những biểu tượng anh hùng không bao giờ chết.
————————————–
Như đã từng nói ở review trước, phim có rất nhiều những “cái hay” mang tính ẩn dụ, được giấu kỹ một cách tinh tế kể từ khâu PR cho tới nội dung phim, từ những điều mấu chốt trong ph
Về các chiến lược quảng bá cho phim, có 2 điều đã khiến tớ quan tâm nhất (và chính chúng đã ảnh hưởng tới việc thưởng thức phim – cho tớ những pha bất ngờ bật ngửa ra)
– Vai trò của Marion Cotillard trong phim: Ngay khi cô này xuất hiện trên trường quay, đã có rất nhiều những lời đồn đoán về việc Marion sẽ vào vai Talia Alghul – con gái của Ra’s Alghul và cũng là người tình của Batman (trong truyện). Tuy nhiên, trong những cuộc phỏng vấn sau những tin đồn này, cả Marion và ekip làm phim đều phủ nhận thông tin trên, và tiết lộ tên của nhân vật mà cô thủ vai – Miranda Tate. Và tất nhiên, ai đã xem phim đều đã bất ngờ tột độ khi tên thật của nhân vật đó được tiết lộ ở gần cuối phim.
– Việc một MC nổi tiếng trên truyền hình trong lúc phỏng vấn Anne Hathaway đã vô tình tiết lộ kết thúc phim “Batman dies”: Cái này thì còn cao thâm hơn. Vụ lùm xùm này đã gây ra cả 1 scandal khiến cho MC nổi tiếng nói trên bị cộng đồng yêu điện ảnh ném đá, đòi tẩy chay, và rất nhiều những người trong ekip làm phim đã bị lôi ra chất vấn về vấn đề này sau đó. Đặc biệt hơn, vụ này còn xảy ra ngay trước khi phim được công chiếu chính thức. Và tất nhiên, điều này cũng đã khiến cho rất nhiều người bật ngửa khi xem đến hết phim.
Còn 1 cái nữa mà mình cũng cho là đã gây bất ngờ, chính là việc Nolan đã luôn phủ nhận việc sẽ đưa Robin vào thế giới Batman của ông, nhưng kết quả ra sao thì chúng ta đã thấy. Robin được đóng 1 vai trò khá quan trọng trong TDKR là khác.
Điều tiếp theo cần phải giải thích chính là có rất nhiều những thứ liên quan tới bản gốc truyện tranh được Nolan đưa vào phim, có cái được giữ, có cái được thay đổi, nhưng về cơ bản, ta phải hiểu rằng, thế giới quan của Nolan hoàn toàn khác với thế giới quan của truyện tranh, và do đó, rất khó để so sánh cân đo giữa 2 phiên bản được. Có những thay đổi của Nolan mà tớ cho là genius, quá đẳng cấp và có chiều sâu, nhưng cũng có những điều khiến tớ chưa thực sự thỏa mãn.
Điều lớn nhất khiến tớ chưa thỏa mãn với thế giới của Nolan chính là hình tượng Batman. Batman của Nolan quá “tầm thường” và thiếu đi cái tầm vóc vĩ đại của một bộ óc bá đạo nhất thế giới mà truyện tranh và hoạt hình từng xây dựng nên. Trong các phiên bản khác, Batman không chỉ là 1 anh hùng mang tầm “thành phố” loanh quanh đánh mấy thằng ăn trộm và Mafia ở Gotham, Batman là 1 anh hùng mang tầm cỡ “hành tinh”, nếu chưa muốn nói là “vũ trụ”. Bằng trí tuệ của mình, Batman đã từng vạch ra 1 kế hoạch tiêu diệt toàn bộ Justice League (nhóm siêu nhân của DC gồm toàn những máu mặt đầy sức mạnh siêu phàm như Superman, Flash, Green Lantern, Wonder Woman…), Batman từng đẩy DarkSeid (một trong số những nhân vật phản diện mạnh nhất vũ trụ) vào thế bí và phải nhượng bộ, thừa nhận rằng Batman là 1 trong số những kẻ nguy hiểm nhất Trái Đất và hắn luôn phải dè chừng, Batman là 1 nhân vật đáng sợ đến độ, đi đến đâu trong khắp vũ trụ, ở đó người ta thấy run sợ, bất kể là người tốt hay người xấu.
Qua cả 3 phần phim, Batman không hề thể hiện được khả năng điều tra thám tử vô đối tới mức được sánh như là “Sherlock Holmes” của Gotham. Ngoài chuyện sử dụng vũ khí, trang bị khí tài ngon lành và vai u thịt bắp cùng võ vẽ để đánh nhau, thì Batman cũng chẳng hơn 1 người bình thường về mặt trí tuệ là mấy. Đây chính là lý do khiến cho ở phần 2, Joker đã trở nên quá lấn át Batman về mặt trí tuệ. Điều khiến mình tiếc ở phần 2 chính là vì Batman quá vô dụng, trong khi với những thứ trí tuệ mà Nolan đã viết được cho Joker, lẽ ra ông đã có thể làm điều tương tự với Batman, nhưng rốt cuộc, người anh hùng của chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào người khác để dành chiến thắng. Điều này tớ cho là không hay, vì nó đã khiến cho 1 bộ phận khá lớn khán giả mới đã có những hiểu lầm, những nhận định rất sai lầm về nhân vật Batman rằng “thằng này chỉ được mỗi cái lắm tiền”.
Chính những lý do trên đã khiến tớ nghiêng về giả thiết Batman vẫn còn sống ở cuối phim hơn. Bởi vì tớ hi vọng rằng anh ta sẽ giống như Batman trong truyện, người luôn có sẵn trong túi 100 kế hoạch khác nhau để cứu được thế giới mà mình vẫn sống. Và sẽ đúng như anh ta đã nói khi ở trong Lazarus Pit “I do fear death” – bởi vì, với tất cả những khả năng trí tuệ vượt trội của mình, anh ta sẽ tìm mọi cách để mình sống sót.
Từ đây, ta sẽ thấy rằng, tất cả những lời tuyên bố, phát biểu, những bài diễn văn cảm động đầy triết lý mà Bane rêu rao, tiêm nhiễm vào đầu người dân Gotham trong phim, hoàn toàn là bố láo và chẳng hề có chút liên quan nào tới những hành động của hắn. Và nếu để ý, bạn sẽ thấy ngay trong phim, Bane đã bảo với Bruce rằng hắn sẽ đầu độc Gotham bằng những ảo tưởng hi vọng không có thật, và rồi hắn tạo ra 1 quả bom hẹn giờ phát nổ trong 5 tháng, nhưng lại cố tình giấu điều đó khi tuyên bố trước sân vận động. Mục đích duy nhất của Bane và The League of Shadows trong TDKR chỉ có duy nhất 1, và rất đơn giản – hủy diệt Gotham bằng mọi cách – tất cả những thứ còn lại đều là chém gió.
Trong truyện, Ra’s Alghul là 1 nhân vật bất tử nhờ có 1 cái hồ thần kỳ gọi là Lazarus Pit. Cứ khi nào gần chết, Ra’s sẽ tắm mình ở cái hồ này và trở lại trẻ trung khỏe mạnh như cũ. Nhưng trong thế giới của Nolan điều đó hoàn toàn bị loại bỏ. Thay vào đó, ông đã biến đổi những ý tưởng đó thành những hình ảnh ẩn dụ mang tính văn học cực kỳ sâu xa mà mình tin là ít ai nhận ra.
Cái nhà tù mà Talia, Bane và Bruce thoát ra dưới cái lỗ – chính là Lazarus Pit của Nolan. Và mặc dù không có những sức mạnh thần bí như trong truyện, tinh thần của Ra’s Alghul cũng vẫn đã “hồi sinh” qua thân xác của chính con gái ông ta – Talia, bằng việc cô ta đã trèo được ra khỏi hố. Cũng bằng hình ảnh ẩn dụ, Nolan đã khiến cho Ra’s “bất tử” về tinh thần với hình ảnh Talia và Bane trở lại Gotham hoàn thiện nốt tâm nguyện của ông ta trong TDKR. Thế nên, cho dù không có những yếu tô thần thánh chân phương, Nolan vẫn đưa vào một cách quá khéo léo và nghệ thuật những chi tiết từ trong truyện – Ra’s Alghul vẫn là kẻ “bất tử” khi tinh thần và lý tưởng của ông ta “bất tử” trong những người kế nhiệm, và ông ta cũng đã “hồi sinh” bằng Lazarus Pit. Và ngay cả Batman, dù đã bị “đánh gãy xương sống chết”, cũng đã “hồi sinh” từ đây – You have to agree – this is fucking genius.
Hình ảnh anh cảnh sát John Blake của Joseph Gordon-Levitt cũng là 1 trong số những thay đổi mà tớ đánh giá cực kỳ cao, dựa trên triết lý mà phim đã vạch ra về hình tượng Batman. Anh hùng không chỉ là Batman, anh hùng là bất cứ ai, bất cứ ai không chấp nhận sự bất công, không thỏa hiệp với tội phạm. Và việc anh John Blake không phải tên là Dick Grayson hay Jason Todd, hay Tim Drake như trong truyện, mà lại có tên là Robin đã phản ánh tư duy đó của Nolan. Robin không nhất thiết phải là 3 cái tên giống hệt trong truyện kia, ta chỉ cần hiểu, Robin là cái người sẽ tiếp bước Batman, là người được thừa hưởng những điều tốt đẹp mà biểu tượng Batman đã để lại, thế là được, và đó có thể là “bất cứ ai”.
Một chi tiết tuy nhỏ, nhưng cũng đã khiến mình trở thành người duy nhất bật cười trong rạp. Ấy là lúc mà Batman cứu Catwoman, và trong khi anh ta còn đang nói chuyện dở, vừa quay đi 1 cái, thì cô ta đã biến mất, và anh ta nói “So this is how it feels” (Ra là nó cảm thấy thế này đây) – vì từ trước tới nay (từ phần 1 đến nay) – Batman mới luôn là người đang nói chuyện thì lợi dụng lúc người ta quay đi để biến mất theo kiểu bốc hơi như vậy.
Và tất nhiên, không thể không đề cập đến chi tiết quan trọng nhất khiến cho TDKR là phim có tinh thần sát với truyện tranh nhất – Batman hi sinh thân mình. Như đã nói ở trên, trong truyện Batman luôn có sẵn hàng trăm phương thức đối phó với hàng trăm tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết cho bản thân. Nhưng ngay cả vậy, Batman vẫn là dạng nhân vật sẵn sàng hi sinh bản thân mình để cứu cả hành tinh nếu như cần thiết. Và với cái kết thúc như vậy, phim đã thực sự vinh danh hình tượng 1 trong số những anh hùng truyện tranh bất tử nhất.
Tất cả những điều trên, mình đánh giá, đều là những điều mà chỉ có 1 cái đầu có tầm nhìn cực kỳ vượt trội mới có thể nghĩ ra, và viết ra hay đến như vậy được. Mặc dù vẫn có những điều mình chưa thực sự thỏa mãn, nhưng trong một thời gian dài nữa, sẽ khó có được 1 phim chuyển thể truyện tranh nào đạt được cái tầm vóc mà Batman của Nolan đã làm được. Và với những điều thế này, tớ mới thấy rằng, một chút hiểu biết về source material trước khi xem phim có thể làm thay đổi cái sự hay ho của phim đến thế nào.
Catwoman: Come with me. We can leave, and start a new life. You don’t owe these people any more! You’ve given them everything!
Batman: Not everything. Not yet.
Anh nghĩ nếu Heath ko chết đi có thể The DArk Knigh sẽ hay hơn và hay theo như ý anh (và có thể cả em) muốn: là sự đấu trí quân bình hơn giữa Batman và Joker dẫn đến diễn biến phim sẽ hay hơn hơn là việc Batman quá lép vế. Đó cũng là lý do tại sao anh ko thích TDK. Mà cả câu chuyện của bộ ba là câu chuyện của TDK, tâm tư tình cảm của Bruce/Batman nhưng trong phần 2 Batman hơi thiếu cái đó (chỉ chạy lăng xăng là chính) do phải dành thêm đất cho Two Face và cả Joker. Cái thứ 3 là biểu tượng, nó đã từng được nói ở Batman Begins trong đoạn Bruce ngồi trên máy bay nói với Alfred là xây dưng 1 biểu tượng thì biểu tượng đó ko thể corrupted được.