Rise of the Planet of the Apes (Hành tinh Khỉ – cho ngắn) là bộ phim có đề tài khỉ xuất sắc nhất mình từng xem từ trước tới giờ. Bất chấp rất nhiều lời dèm pha và chỉ trích từ việc ko được hãng lớn chống lưng cho tới việc thể hiện đàn khỉ hoàn toàn bằng CGI, Hành tinh Khỉ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ reboot của mình bằng một câu chuyện logic, giàu cảm xúc, nhân văn được hỗ trợ bởi kỹ xảo hình ảnh gần như hoàn hảo.
Yếu tố quan trọng nhất khiến cho nhiệm vụ thể hiện cảm xúc cho các nhân vật Chimpanzee có lẽ chính là phần CGI sử dụng kỹ thuật motion capture quá xuất sắc của WETA Studios. Tất cả các cử động từ cơ thể cho tới khuôn mặt, đặc biệt là các hoạt động của đôi mắt được render với chất lượng cực kỳ tuyệt vời, khiến cho khán giả hoàn toàn tin rằng thứ mình nhìn thấy thực sự là một con khỉ, với tất cả những thói quen, hành động của một con khỉ, nhưng nó vẫn có cái gì đó khác biệt. Vì những diễn xuất đó, hành động đó, cảm xúc đó, dù được thể hiện trên hình ảnh một con khỉ, lại cho thấy một cái hồn rất “người” đang lớn dần bên trong nó, chỉ chờ một cú hích đủ mạnh để nó bộc phát hoàn toàn ra ngoài. Đó là một cảm giác vừa “thật” vô cùng của hình ảnh con khỉ, vừa “điện ảnh” vô cùng trong diễn xuất kỹ xảo.
Tất nhiên, những diễn xuất đó của con khỉ không thể nào thành công tới như vậy nếu không có những “motion” của Andy Serkis cùng các diễn viên khác trong vai khỉ để đội ngũ CGI có thể “capture”. Bằng diễn xuất xuất sắc của mình, Serkis đã có một vai diễn motion capture để đời nhất từ trước tới giờ của mình, so với Gollum và King Kong. Từ Caesar ta có thể cảm thấy rất nhiều tâm trạng, tình cảm, suy nghĩ của nó được toát ra một cách không hề lộ liễu mà rất tinh tế trong những trường đoạn khác nhau của phim. Từ khi nó còn ở với Will và bố của anh cho tới khi lãnh đạo đàn khỉ nổi dậy là 2 Caesar vừa khác nhau mà vẫn là một. Một là chú khỉ con nghịch ngợm, ngây thơ nhưng lạc lõng và bị kềm hãm trong 4 bức tường của căn phòng, cô đơn một mình trong khu rừng, với câu hỏi “where am I gonna fit in?”, giống như câu hỏi mà Caroline (Freida Pinto) đã hỏi Will khi cô lần đầu tiên phát hiện ra sự thật về Caesar. Và cũi sắt cùng sự đối xử hà khắc, vô nhân tính của bố con nhà Landon đã biến chú khỉ bé nhỏ đó trở thành nhà lãnh đạo Caesar quyền lực trước sự phục tùng của đồng loại. Ta có thể cảm thấy cái thần của một lãnh tụ, sự tự tin, thông minh, cái uy của một người đứng đầu toát ra từ thần thái, ánh mắt quyết đoán và hành động của Caesar. Đó chính là phong thái của một nhà vua, của Julius Caesar – cái tên đã được đặt cho nó. Nhưng đó không phải là một con khỉ khác, nó vẫn là chú khỉ được Will nuôi lớn bằng sự thương yêu và đối xử bình đẳng, và nó đã biết hối hận khi nhận ra hành động sai lầm và vượt quá giới hạn của mình, để rồi sau đó sử dụng ảnh hưởng của mình để hạn chế hành động của các đồng loại khác.
Hành tinh Khỉ có một cốt truyện khá logic và đáng tin. Các tình huống trong phim được xây dựng theo một tuyến tính thời gian với các sự kiện nối tiếp nhau, xâu chuỗi với nhau, tiến triển dần tới cuối một cách hợp lý và với một nhịp độ rất tốt. Có những tình huống mang tính tạo động cơ, phục vụ rất thành công cho nhiệm vụ xây dựng nhân vật, từ tính cách, suy nghĩ cho tới hành động, và không khiến cho khán giả thấy chối vì những tình tiết và hành động không có cơ sở hay vô lý.
Nhịp phim giống như sóng biển vỗ bờ. Các tình huống từ nhẹ nhàng tình cảm, cho tới các pha hành động dồn dập từ đầu tới cuối được tăng dần về mức độ, và trường đoạn cuối phim chính là con sóng cuối cùng, cao trào nhất để kết thúc rất hoàn hảo. Điều này tác động rất mạnh đến yếu tố tâm lý của khán giả khi theo dõi bộ phim vì nó giúp điều chỉnh cảm xúc của khán giả cuốn theo cảm xúc của nhân vật trong câu chuyện. Nếu việc này ko được thực hiện tốt, cảm xúc của khán giả rất dễ bị hẫng và gây ra mất hứng, nhưng Hành tinh Khỉ đã làm điều này rất ổn. Và mình đặc biệt thích cách phim giải thích cho sự trỗi dậy của loài khỉ trên toàn thế giới – một cách giải thích rất có lý và đáng tin và là gợi ý tuyệt vời cho các phần phim tiếp theo.
Phim đặt ra rất nhiều câu hỏi mang tính nhân văn về loài người, trong khi sử dụng loài khỉ để làm chất xúc tác cho các câu hỏi đó. Việc con người can thiệp vào thiên nhiên, thí nghiệm nó, thay đổi nó, phá hoại nó có hậu quả như thế nào? Tại sao lại có hậu quả đó? Như nhân vật Caroline cũng đã nói “Some things are not meant to be changed”. Thiên nhiên này không cần bàn tay của con người thay đổi, dù sự thay đổi đó mang tính nâng cao hay phá hoại thì đều là những sai lầm. Ceasar trở nên thông minh, nhưng chính việc đó đã khiến nó trở nên khác biệt và cô đơn, và biến nó thành một Caesar đầy tức giận. Hay một câu hỏi khác, liệu chúng ta – những con người tự cho là mình thông minh và văn minh bậc nhất, có hơn gì lũ khỉ kia không? Thử so sánh cách mà con người đối xử với nhau và cách lũ khỉ đối xử với nhau ngay trong phim thì sẽ rõ. Và cuối cùng là một lựa chọn muôn thuở – hành động theo cảm tính hay logic, con người nên chọn cái nào? Từ đầu tới cuối phim, từ nhân vật người tới nhân vật khỉ, tất cả đều đã chọn lựa theo cảm tính và bản năng mình mách bảo. Chính vì những quyết định cảm tính đó, họ đã bỏ quên mất việc suy nghĩ về những hậu quả khôn lường của hành động của mình, và trở nên bất cẩn, dẫn tới hàng loạt sự kiện mang tính domino, tạo hiệu ứng cánh bướm vô cùng nguy hiểm. Vậy nếu như có một lựa chọn logic, liệu chuyện gì khác có thể xảy ra? Tất cả những điều này đều cho một cảm giác rất “con người” với những suy nghĩ, tâm tư mang tính vị kỷ, giằng xé rất bản năng cả trong các nhân vật người lẫn những con khỉ đã được “nâng cấp” lên kia, và khiến bộ phim trở nên vô cùng tuyệt vời về mặt cảm xúc.
Mình chưa xem các phần phim của series Hành tinh Khỉ cũ nên sẽ không có sự so sánh, nhưng có thể nói Rise of the Planet of Apes có tiềm năng vô cùng lớn để trở thành một hậu bối xứng tầm với những gì người tiền nhiệm của nó từng làm được trong quá khứ, thậm chí có lẽ còn hơn thế. Một bộ phim không chỉ tuyệt vời về mặt hình ảnh, mà cả về cảm xúc, nội dung đều được kiểm soát rất tinh tế. Cá nhân mình cho phim điểm 9/10 – bộ phim bom tấn xuất sắc nhất hè năm nay.
*SPOILER* Phần này giải thích 1 số thứ nếu ko để ý một chút thì sẽ rất dễ nhầm lẫn, chỉ dành cho những người đã xem phim, ai chưa xem ko nên đọc tiếp.
– 112 và 113 là tên của 2 loại VIRUS được Will phát triển để tìm cách chữa Alzheimer cho bố chứ không phải là THUỐC. Chính vì vậy nó mới có khả năng tác động lên tế bào và có khả năng di truyền.
– 112 và 113 theo như giải thích của phim đều có khả năng tái tạo và sản sinh cấu trúc tế bào não, khiến cho vật chủ sử dụng nó, cụ thể ở đây là đám khỉ, trở nên thông minh hơn cả con người, chứ ko phải thông minh ngang hàng, cộng với những khả năng sẵn có của một loài vật vốn quen sống trong thiên nhiên và sự đoàn kết, đương nhiên loài khỉ không quá khó khăn để đánh bại con người. Điều này giải thích 1 số tình huống mà có thể có người sẽ cho là vô lý vì đến người còn không làm nổi nữa là khỉ.
– Caesar trở nên thông minh hơn và trở thành lãnh đạo của đàn khỉ vì nó đã được tăng cường trí thông minh những 2 lần bằng cả 2 loại virus 112 và 113, trong đó 112 đã tồn tại và có tác dụng lên nó từ khi còn ở trong bụng mẹ và mang tính di truyền.
– 112 là dạng tiêm, trong khi 113 là dạng khí, điều này giải thích cho việc nó có khả năng lan truyền ra khắp thế giới thông qua ông phi công, tác động lên cả loài khỉ lẫn người => người thì chết còn khỉ trở nên thông minh hơn => Rise of the Planet of the Apes.
cám ơn anh vì mấy thông tin trong phần spoiler ở dưới,lúc coi phim cũng có thắc mắc về điều này định bụng về nhà sẽ search mà lười quá đâm ra quên bẵng luôn 😛