Hề hề, title entry đầu năm nghe già vãi :)). Nói chung là cũng ko có nhiều sự kiện đâu, chém gió thôi.
Trước hết là về cái quyển “Movie Star 1” phát hành ở Megastar từ hồi trước Tết.
Xin mạn phép nhận xét cái quyển này là 1 “Mớ thông tin chả có tí giá trị nào”. Xin được phép bỏ qua các phim khác mà đề cập chủ yếu về 1 số cái tớ biết.
Đầu tiên, ở bìa, ta có thể thấy có 1 số tiêu đề phim được ghi như sau: “Xích Bích 2: Đại chiến thiên hạ” và “Underground 3: Sự trỗi dậy của bầy sói”.
Trên tờ rơi và poster Xích Bích 2 được ghi là: “Quyết chiến thiên hạ” còn phim kia tên thật là Underworld 3. Điều này thể hiện gì nhỉ? Một sự cẩu thả đến đáng sợ trong quy trình biên tập một tuyển tập thông tin về phim ảnh mà dễ gây ra nhiều sự hiểu lầm không đáng có.
Và đã có bao h có ai tự hỏi “Quyết chiến thiên hạ” nó có nghĩa là gì ko ạ? Giải thích hộ cái?
Tiếp theo là phần thông tin. Chỉ xin trích ra 1 phim khá đáng chú ý trong năm tới mà sẽ là một phát súng khởi đầu mùa phim hè.
Ấy là phim Watchmen (trailer chiếu rất nhiều trên Mega và sẽ công chiếu trên đó khoảng vào 13/3 so với Mỹ thì là 6/3).
Trước tiên, xin mọi người lật ngược trở lại một vài entry trước của tớ để đọc 1 số giới thiệu sơ sơ về bộ phim hoặc theo link sau: http://fpa.vnexpress.net/showthread.php?t=7582
Và sau đó so sánh với những gì được viết trong tuyển tập nói trên, bạn thấy thế nào? Có thể nói những gì được viết trong tuyển tập đó đã làm tan biến và hủy hoại hoàn toàn sự tuyệt vời của bộ truyện cũng như bộ phim này. Hiện tớ đang ko có quyển này trong tay, nhưng xin trích ra 1 số thứ mà bài viết trong quyển tuyển tập này đã hạ bệ sự đáng mong đợi của Watchmen thế nào.
– So sánh X-men của Marvel với Watchmen chỉ vì nó giống nhau ở chữ Men và gọi những nhân vật trong Watchmen là “Dị nhân”. ==> Xin thưa là điều này không thể nào chấp nhận được ở 3 điểm.
1 là chữ Dị Nhân, là 1 từ hết sức xúc phạm khi sử dụng để nói về những nhân vật trong X-men, vì nếu dịch ra cho đúng “Dị nhân” mang nghĩa là “freak” (ai hay xem phim hoặc khá tiếng Anh sẽ hiểu nghĩa của cái từ này).
2 là trong X-men, các nhân vật ai cũng có những khả năng đặc biệt, kì diệu và sử dụng để cứu rỗi thế giới cho dù thế giới luôn hắt hủi họ. Còn Watchmen, lại là 1 tập hợp những người KHÔNG CÓ NĂNG LỰC ĐẶC BIỆT (ngoại trừ Dr. Manhattan – người xanh phát sáng ấy), mà chỉ đơn thuần là các “American Hero” – tức là những người phục vụ cho chính phủ và lập công với chính phủ Mỹ, sau khi giải nghệ thì trở thành anh hùng giấu mặt giúp đời. Nhưng khi họ bị hắt hủi, họ đã từ bỏ luôn chuyện giúp đời cho dù có lúc thế giới đã phải kêu họ cứu giúp. Và nhấn mạnh lại, ngoại trừ Dr. Manhattan, thì họ KHÔNG CÓ NĂNG LỰC ĐẶC BIỆT. Và sự so sánh của bài viết nói trên là ngớ ngẩn.
3 không hiểu có phải không, nhưng hình như sự so sánh này chỉ đơn giản bởi giống nhau ở chữ Men?
ĐIều này đã biến Watchmen từ bộ truyện tranh hay nhất mọi thời đại tụt vèo xuống ngang hàng với “những loại siêu nhân mặc sịp ngoài quần dài bay lượn lung tung” trong mắt các khán giả Việt Nam vốn đa phần là “ignorant” (có lẽ người viết bài viết nói trên cũng là ignorant luôn)
– Điều tiếp theo là trời ơi, họ không thèm đếm xỉa gì đến những giải thưởng và sự vinh danh của giới văn học cho tác phẩm kinh điển đầy nhân văn này cũng như tác giả kịch bản của nó – Alan Moore – người được coi là “Comic God”. Vậy thì cái phim này còn gì đáng để xem nữa?
Và cái tôi đọc được trên 1 số diễn đàn về phim ảnh về phim này là gì? “Có thể xếp phim này vào loại fim siêu nhân vớ vẩn được rồi” “lại có thằng mặc sịp ngoài quần à?” “lại siêu nhân bay lượn chứ gì” “Người đồng hồ à?”phim trẻ con “”… v.v… những thái độ khinh thường tương tự.
Đây mới chỉ là 1 ví dụ, những phim khác do tớ vốn không để ý lắm nhưng với chất lượng khủng khiếp cho 1 bài viết thế này thì những bài viết khác liệu có đảm bảo độ chính xác và đầy đủ thông tin hay không? Tất nhiên không phải là không có những bài viết rất hay và có những thông tin thú vị (Xích Bích), nhưng thực lòng Megastarmedia nên trau chuốt hơn trong quá trình thực hiện những tờ rơi hay những cuốn tuyển tập kiểu này, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến thị hiếu và đánh giá của khán giả với các bộ phim, đặc biệt là khán giả Việt Nam vốn không có thói quen thưởng thưc môn nghệ thuật thứ 7 này một cách hiểu biết, và điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới lượng khán giả tới xem các bộ phim ở Mega nói riêng hay các rạp trên toàn quốc nói chung.
——————————————————
Chuyện thứ 2. Hồi trước tết, mấy hôm 29 – 30 Tết ấy. Thấy bà con trên mạng có vẻ bức xúc tưng bừng về 1 vụ khá là hấp dẫn các bố chống Cộng ở hải ngoại, và gửi link tới 1 blog có 1 bài phóng sự về vụ này kèm theo lời lẽ bất mãn. Vụ này cũng đã được đăng trên Dantri.
Ấy là vụ công an phương Văn Miếu đã đến dẹp tiệm và có nhiều hành vi vô văn hóa và hồ đồ với những cụ đồ đang ngồi cho chữ ở khu vực bên cạnh Văn Miếu.
Chẳng là có 1 công ty nọ đã hợp tác với chính quyền tổ chức 1 con phố gọi là phố “ông Đồ” ở khu vực Văn Miếu, và bố trí 1 dãy các kios để các ông Đồ tới ngồi và viết Thư pháp phục vụ nhân dân với niêm yết giá do ban tổ chức quy định.
Xét về ý tưởng thì có thể thấy tấm lòng của ban tổ chức, lòng mong mỏi lưu giữ nền văn hóa dân tộc rất đáng trân trọng khi muốn lập ra một con phố ông Đồ thời hiện đại có tổ chức hơn, và họ xứng đáng với tất cả những lời khen ngợi và chúc tụng Tết này.
Tuy nhiên hình thức thực hiện thì lại có vẻ chưa hợp lý lắm. Họ làm các kios bằng bạt kín mít như các kios trong các hội chợ hàng tiêu dùng trong cả nước, cho mỗi ông Đồ 1 cái bàn và 1 cái ghế để ngồi và 1 cô trong ban tổ chức đứng cạnh để kiểm soát giá cả.
Cái này nghe thì có vẻ như ban tổ chức khá là chu đáo đối với những người đang gìn giữ 1 nét văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, xét về khía cạnh văn hóa, thì họ đã làm chưa hợp lý. Vì hình ảnh ông đồ đúng thực là phải trải chiếu ngồi bệt bên đường, “bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua” chứ không phải là ông đồ ngồi viết thư pháp trên bàn Xuân Hòa và có 1 cô tân thời đứng bên cạnh thu tiền.
Vì thế đã gây ra khá là nhiều bức xúc với các ông Đồ già cả, trong số đó có 1 trong tứ trụ thư pháp của Việt Nam, đó là cụ tiến sĩ Cung Khắc Lược, khiến cụ và một số người đã kéo nhau ra khỏi khu vực của ban tổ chức và ngồi bệt ở khu tường rào của Văn Miếu.
Và công an phương Văn Miếu đã dựa theo nghị định gì đó của chính phủ về lấn chiếm vỉa hè lòng đường cho kinh doanh trái phép để tới dẹp tiệm các quầy “ngoài luồng” này của các cụ bằng cách giật, giằng, vò, xé, ném các tác phẩm thư pháp của các cụ lên xe để làm “tang chứng vi phạm” trong sự bức xúc của rất nhiều người dân quanh đó, kèm theo đó là những lời lẽ rất hồ đồ quát tháo các cụ của lực lượng công an. (dựa theo tường thuật của blog chuyên thông tin nọ mà tớ đọc được, có kèm theo 1 loạt ảnh các bác công an beo béo đang tịch thu với thái độ khá là mất cảm tình và hình ảnh cụ Cung Khắc Lược đang chắp tay “lạy lục lực lượng công quyền”, và họ nói rằng các cụ không ngồi trong kios đều không thu tiền chữ vì đây chỉ là gìn giữ văn hóa, cho chữ miễn phí).
Có thể nói cách xử lý của lực lượng công an là hết sức ngớ ngẩn và hồ đồ, thiếu sự tôn trọng với người già cả là thứ nhất, thứ 2 là thiếu nghiêm trọng sự tôn trọng đối với những con người đang gia sức bảo tồn 1 nét văn hóa cực kỳ đáng quý của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Thể hiện 1 sự yếu kém nghiêm trọng về hiểu biết văn hóa cùng 1 thái độ rất yếu kém của MỘT BỘ PHẬN trong lực lượng công an, gây ra rất nhiều những cái nhìn không tốt đối với lực lượng này, vốn được biết tới như 1 lực lượng gìn giữ trị an đã lập nhiều chiến công và có nhiều anh hùng đã từng hi sinh khi bảo vệ nhân dân.
Có thể nói blog nọ đã chuyền tải thông tin khá là chi tiết và đầy đủ, khêu gợi được sự bức xúc trong công chúng. Tuy nhiên, nếu nói là khách quan thì tớ không dám khẳng định.
Thứ nhất là về việc các cụ ngồi ngoài không thu tiền. Tớ rất nghi ngờ chuyện này vì sáng nay, đích thân tớ đã ra khu đó để xin chữ cùng thằng bạn ở quầy của cụ Lược (nhờ có bức xúc của xã hội nên mấy ngày gần đây các cụ vẫn ngồi đó được mà không gặp cản trở gì nữa từ chính quyền mặc dù ngay bên kia đường là bóng dáng các anh giữ trật tự). Và tớ biết được rằng muốn có chữ của cụ thì phải mua giấy ở 1 anh ngồi chuẩn bị sẵn ở bên cạnh cụ (anh này trông cũng tân thời lắm). Thế nên bọn tớ sang hỏi anh giá tờ giấy đỏ có con rồng rất là đẹp mà anh đang xếp cả tập thì được biết giá là 100.000 VND/tờ (????) và khi đưa tiền không được đưa tiền thô, mà phải cho vào 1 phong bao lì xì thì mới nhận (????).
Thứ 2 là hình ảnh cụ Lược chắp tay lạy lục lực lượng công quyền không phá hoại văn hóa, thì hôm nay tớ thấy cụ chắp tay lạy tất cả những ai đến xin chữ với ý nghĩa như thay lời chào, như là 1 cử chỉ theo thói quen của cụ. Hay là đám đông bu quanh cụ hôm nay tớ thấy không phải đang lấy chữ mà là đang phá hoại văn hóa để khiến cho cụ phải “lạy lục”? Mà nếu như ai đó để ý, sẽ thấy cái ảnh cụ đang “lạy lục” thì cụ đang mặc cái áo sơ mi màu xanh (mà cụ mặc ở trong) còn những cái ảnh mà cụ đang bị giật chữ thì cụ lại mặc cái áo nâu của cụ mà cụ mặc ở ngoài (???)
Thêm nữa, xét về lý, thì việc các cụ không vào kios mà ngồi ngoài như vậy là đã sai quy định chung nên tuy hành động dẹp tiệm của các ông công an tuy khá là phản cảm và đáng lên án nhưng lại thật ra là đúng, vì trên thực tế là tuyến phố khu đấy đã bị tắc nghẽn khá nhiều lần do người đến xin chữ các cụ để xe lung tung không đúng nơi quy định của ban tổ chức. Tất nhiên là về tình thì với 1 vấn đề nhạy cảm thế này thì các ông công an đã xử lý rất thiếu “đầu óc”, cứng nhắc và vô tình .
Một cách khách quan, thì BTC bố trí các kios như vậy là chưa hay, thay vì kios như vậy, cứ để các cụ trải chiếu ngồi dưới đất, và để che nắng mưa thì bố trí ô cho các cụ là được. Còn các cụ đồ, thì lẽ ra nên trao đổi trực tiếp với BTC với thái độ hợp tác để đi tới 1 giải pháp toàn vẹn nhất và tham gia cùng các ông đồ khác trong khu của BTC để không chỉ giữ gìn được văn hóa Việt một cách tích cực mà còn giữ gìn được cả sự văn minh của thời đại mới nữa, chứ ngồi bên ngoài như thế thì, xin lỗi, vô tổ chức quá, ngày xuân, nên giữ cho tâm thanh tịnh, tránh việc đối kháng chứ. Có phải không ạ? :).
Cá nhân tớ, sáng nay, khi đến được chiêm ngưỡng những đường thư pháp điêu luyện đầy khí chất của cụ Cung Khắc Lược, trong đầu tớ đã phải thốt lên: “Quả nhiên là tiến sĩ, xứng danh 1 trong tứ trụ Thư pháp của Việt Nam”. Đúng như anh Thành Phong nói, những đường nét của cụ, thoáng nhìn thì có vẻ không đẹp, nhưng thể hiện một khí chất hào sảng, phóng khoáng, mạnh mẽ của 1 cụ đồ cử, rất khí khái. Chữ của cụ có thể không đẹp về ngoại, nhưng đẹp về nội, vì mỗi lần cho chữ ai thì cụ đều giải thích tận tình ý nghĩa của chữ cũng như là người nhận chữ phải làm những gì để đạt điều mình muốn. Trong mắt tớ, thì cụ thực sự là 1 người nghệ sĩ đáng kính trọng, và xứng đáng với từng đồng mà người xem đưa cụ bên trong các phong bì lì xì. Dù thế nào cụ cũng là một tiến sĩ, một nhà nghiên cứu đáng kính trọng. 🙂
Thế mới thấy cái sự lắt léo và “khách quan” của các nhà báo online theo kiểu blog nó thế nào.